DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Phát triển kinh tế trang trại góp phần chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa tập trung

17/04/2014 00:00
Những năm qua, các mô hình kinh tế trang trại của tỉnh đã góp phần không nhỏ đến việc thúc đẩy ngành nông nghiệp trên địa bàn phát triển. Bên cạnh đó, các trang trại này cũng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Không những vậy, việc phát triển kinh tế trang trại đã tạo điều kiện cho nhiều người dân nông thôn xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Kinh tế trangtraij góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

 Theo Sở NN&PTNT, đến nay trên địa bàn tỉnh có 157 trang trại đủ điều kiện đạt tiêu chí, trong đó có 74 trang trại tổng hợp chiếm tỷ lệ 47,5 %; 62 trang trại chăn nuôi; 7 trang trại trồng trọt; 7 trang trại lâm nghiệp và 7 trang trại thuỷ sản. Trong đó, tổng diện tích đất các trang trại hiện đang sử dụng đến hết năm 2013 là 1.942,46 ha, tăng 1.176,23 ha so với năm 2012. Bình quân một trang trại sử dụng 16,5 ha, trong đó, trang trại lâm nghiệp sử dụng bình quân 53,8 ha/trang trại; trang trại tổng hợp sử dụng bình quân 18,65 ha/trang trại; trang trại chăn nuôi sử dụng bình quân là 2,13  ha/trang trại; trang trại thuỷ sản sử dụng bình quân 5,35 ha/trang trại và trang trại trồng trọt sử dụng bình quân là 2,36 ha. Ngoài ra, các trang trại đã sử dụng lao động thường xuyên là những người trong gia đình, bình quân từ 2 đến 3 lao động; các lao động làm việc không thường xuyên cho trang trại là thuê theo thời vụ.

Theo thống kê, năm 2013 số lao động làm việc thường xuyên bình quân 2,5 lao động/ trang trại; lao động không thường xuyên là 4,5 lao động/ trang trại; thu nhập bình quân: 1,8 triệu đồng/ người/tháng. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư : 147.233 triệu đồng. Trong đó trang trại trồng trọt đầu tư bình quân 674,15 triệu đồng; chăn nuôi: 2.372,25 triệu đồng; lâm nghiệp đầu tư bình quân 792,93 triệu đồng; trang trại thuỷ sản đầu tư 367,5 triệu đồng và trang trại tổng hợp đầu tư 536,28 triệu đồng. Cũng qua khảo sát tổng doanh thu loại hình kinh tế trang trại năm 2013 là 147.296 triệu đồng, doanh thu bình quân cho 1 trang trại là 839,2 triệu đồng. Trong đó, chăn nuôi là 2.097,7 triệu đồng; trồng trọt với 679,75 triệu đồng; thuỷ sản là 616,25, triệu đồng; tổng hợp là 472,36 triệu đồng và trang trại lâm nghiệp là 330,05 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 11 điển hình tập trung ở các huyện Lạc Thuỷ, Kim Bôi, Kỳ Sơn và Cao Phong, trong đó phát triển trang trại tổng hợp đang là loại hình chiếm ưu thế đem lại doanh thu cao.

Việc kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển, đã góp phần tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dần đưa nông nghiệp từ sản xuất nhỏ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn hơn và gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu cho nông dân. Đồng thời, khai thác và sử dụng có hiệu quả về tiềm năng đất đai, lao động, vốn đầu tư, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý trong dân cho phát triển nông, lâm, nghiệp và thủy sản, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái; tạo ra bước chuyển cơ bản về giá trị sản phẩm hàng hoá, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm bớt áp lực thiếu việc làm ở nông thôn, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, chật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới thành công.

Mặc dù đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo và đầu tư hỗ trợ. Nhưng kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh hiện nay phát triển còn gặp những khó khăn do còn mang tính tự phát; các địa phương chưa có quy hoạch vùng để phát triển kinh tế trang trại nhằm quản lý dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái; tình hình dịch bệnh thường xuyên diễn biến hết sức phức tạp; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất ngày càng tăng cao, gây khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của trang trại; chất lượng sản phẩm làm ra của trang trại chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ; giá cả sản phẩm đầu ra bấp bênh, không ổn định; chính sách phát triển kinh tế trang trại của Nhà nước còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả; trình độ, năng lực quản lý, tiếp cận thông tin về thị trường và tổ chức sản xuất của chủ trang trại còn hạn chế; chất lượng lao động còn thấp; thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản; tiêu thụ sản phẩm làm ra còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc thị trường nên còn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế thấp, ít lợi nhuận; tình trạng thiếu vốn khá phổ biến, nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn nên các trang trại chủ yếu đầu tư phát triển theo chiều rộng, chưa đủ sức đầu tư theo chiều sâu. Theo quy định hiện hành, giấy chứng nhận trang trại có thể làm căn cứ để ngân hàng cho vay vốn, nhưng thực tế các trang trại không được vay vốn từ giấy chứng nhận hoặc số vốn được vay lại quá ít không đáp ứng nhu cầu để đầu tư phát triển.

Sự hình thành và phát triển hệ thống trang trại ở Hoà Bình là một hướng đi đúng, đã tận dụng được tiềm năng, lợi thế phát huy nguồn nội lực trong tỉnh. Tuy nhiên kết quả đạt được cũng mới chỉ là bước đầu. Trên thực tế, từ khi thực hiện Nghị quyết 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về kinh tế trang trại, UBND tỉnh chưa có cơ chế, chính sách cụ thể ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trang trại để tạo động lực giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh có thêm điều kiện thuận lợi chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, các địa phương đang xúc tiến việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại theo đúng quy định; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh và trình độ kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất; các vùng quy hoạch gắn liền với hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thuỷ lợi, giao thông, hệ thống điện, nước, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; các trang trại thực hiện tốt đánh giá tác động môi trường và cam kết thực hiện các biện pháp xử lý chất thải tránh gây ô nhiễm môi trường; hình thành các hình thức liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với các gia trại, trang trại.