Hiện cơ cấu giống, chủng loại chủ yếu gồm: Đối với cam: Nhóm chín sớm gồm cam CS1, cam Marss, quýt ôn châu chiếm 30% diện tích; nhóm chín chính vụ gồm cam Xã Đoài, cam Canh chiếm 40% diện tích; nhóm chín muộn cam V2 chiếm 30% diện tích. Đối với bưởi: Giống chín sớm gồm bưởi da xanh, bưởi đỏ Hòa Bình chiếm 40% diện tích; Bưởi diễn (chín muộn) chiếm 60% diện tích.
Tổng số cây đầu dòng cây có múi được công nhận còn hiệu lực khai thác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là 227 cây bao gồm: 165 cây cam; 50 cây quýt; 12 cây bưởi (bưởi đỏ Hòa Bình). Tổng số vật liệu nhân giống đã khai thác 2.000 mắt, cành ghép (năm 2021) trong đó: 1.000 mắt, cành ghép cây đầu dòng cam canh (HTX sản xuất và kinh doanh DVNN Nhật Minh tại huyện Cao Phong) và 1.000 mắt, cành ghép cây đầu dòng còn lại.
Hệ thống nhân giống 3 cấp tại Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản của tỉnh hoạt động ổn định đáp ứng theo Tiêu chuẩn quốc gia để sản xuất cây giống sạch bệnh, tổng số có 98 cây So và 120 cây S1; trong năm 2023 đã sản xuất được 30.000 cây S2 phục vụ tái canh vùng cam Cao Phong. Để có cơ sở bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đúng quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã ban hành xây dựng và ban hành 14 Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây ăn quả lâu năm gồm các giống cây trồng: cam CS1, cam Marrs (BH), cam Canh, cam Xã đoài lùn, cam Xã đoài cao, quýt Hà Giang, quýt Ôn châu, cam V2, bưởi đỏ Hòa Bình, bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Sông Con, quýt Nam Sơn, Quýt Miền Đồi.
Đến tháng 6/2023, diện tích cây có múi được chứng nhận ATTP, GAP, hữu cơ đạt 1.825,8 ha trong đó diện tích chứng nhận đủ điều kiện ATTP 1.110,2 ha; chứng nhận VietGAP, GlobalGAP 663,61 ha; chứng nhận hữu cơ Việt Nam 52 ha. Đã được cấp 33 mã số vùng trồng cây có múi (bưởi diễn, bưởi đỏ Hòa Bình, bưởi da xanh) trong đó có 24 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường EU, Hoa Kỳ, New zealand. Có 02 mã số cơ sở đóng gói cây có múi (bưởi) phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và New Zealand.
Sản phẩm cây ăn quả có múi của tỉnh hiện được tiêu thụ qua các kênh như: Tiêu thụ qua hợp đồng giữa các Công ty; Hợp tác xã; trang trại với các doanh nghiệp, siêu thị chiếm khoảng 18% sản lượng; Tiêu thụ qua hệ thống các thương lái hợp tác với nhà vườn chiếm 60%; Tiêu thụ qua kênh bán lẻ trực tiếp từ các nhà vườn chiếm khoảng 20%; Tiêu thụ qua các điểm giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch, hội chợ chiếm khoảng 2-3%. Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn tập trung tại Hà Nội, các tỉnh lân cận và các thành phố lớn. Năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu thành công 6 tấn (5.500 quả) bưởi đỏ Hòa Bình của huyện Tân Lạc, 11 tấn (9.900 quả) bưởi diễn của huyện Yên Thủy và 7 tấn cam của huyện Cao Phong sang thị trường Anh Quốc. Dự kiến sản lượng bưởi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu năm 2023 khoảng 1,15 triệu quả tương đương khoảng 1.000 - 1.200 tấn, mục tiêu các thị trường Hoa Kỳ, EU, New zealand.
Diện tích cây có múi bị suy thoái diễn ra mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021. Từ 2022 đến nay, mức độ suy thoái đã giảm nhiều dô một số tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất. Diện tích suy thoái chủ yếu trên cây cam, quýt. Tại vùng sản xuất cam huyện Cao Phong năm 2020 có diện tích 2.330 ha trong đó 1.813 ha giai đoạn kinh doanh nhưng đến hết năm 2022 diện tích còn 1.357 ha trong đó 1.328 ha giai đoạn kinh doanh (tổng diện tích giảm 973 ha và 485 ha diện tích kinh doanh). 50% diện tích cam thời kỳ kinh doanh tại huyện Kim Bôi phát triển kém, bị suy thoái, chất lượng quả giảm. Một số vùng trồng quýt bản địa tại huyện Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Đà Bắc chưa được chú trọng chăm sóc, phòng trừ dịch hại nên năng suất, chất lượng quả giảm, người dân chặt bỏ chuyển sang trồng cây trồng khác. Nguyên nhân suy thoái vườn do: Sử dụng giống cây không đảm bảo chất lượng, nhiễm một số dịch hại nguy hiểm như bệnh vàng lá thối rễ; vùng sản xuất cây có múi Cao Phong qua quá trình trồng, một số diện tích kinh doanh đã già cỗi, cần phải trồng lại chu kỳ mới. Bên cạnh đó qua quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật... dẫn đến đất bị chai cứng, nhiễm dịch hại nguy hiểm như vàng lá thối rễ, tuyến trùng, rệp sáp hại rễ... gây suy tàn, thoái hóa nhanh chóng vườn cây ngay cả những vườn tái canh trong giai đoạn kiến thiết….
Để phát triển ổn định, bền vững vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trong phát triển cây có múi của tỉnh. Thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây có múi; Tạo nguồn giống sạch bệnh; cải thiện độ phì, kết cấu đất trồng và tạo quỹ đất sạch nguồn sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức sản xuất đáp ứng mục tiêu tái canh. Đẩy mạnh đầu tư vào chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu phù hợp từng nhóm cây ăn quả có múi và thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường kết nối giữa các địa phương sản xuất cây có múi lớn với những nhà xuất khẩu. Tăng cường hỗ trợ, chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm quả có múi…./.