DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Phát triển bền vững rừng sản xuất, nâng cao thu nhập từ nghề rừng

06/05/2020 00:00
Những năm qua công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhận thức về rừng của nhân dân được nâng lên, quan điểm định hướng xã hội hóa nghề rừng được triển khai thực hiện. Kết quả đến hết năm 2018, toàn tỉnh có tới trên 69 nghìn ha rừng trồng sản xuất, trong đó có khoảng 11,5 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, chiếm 17% diện tích rừng trồng hiện có; cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, chế biến, khẳng định lợi ích kinh tế từ rừng và góp phần duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh trên 51%.
Phát triển bền vững rừng sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao thu nhập từ nghề trồng rừng

Trong giai đoạn 2014 – 2018 toàn tỉnh trồng được trên 38,5 nghìn ha rừng sản xuất, diện tích đất trống, đồi trọc được phủ xanh, thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện nhưng hầu hết diện tích rừng trồng áp dụng phương thức sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ, khai thác rừng non với chu kỳ từ 5 – 6 năm theo hình thức quảng canh; năng suất, chất lượng rừng còn thấp (khoảng 65m3/ha/chu kỳ); sản phẩm khai thác chủ yếu làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ. Thu nhập cho một chu kỳ sản xuất chỉ đạt 10,4 triệu đồng/ha/năm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Liên kết trong sản xuất lâm nghiệp đã hình thành, đúng định hướng ở một số nơi với quy mô diện tích nhỏ. Qua đó giá trị rừng trồng được tăng lên; sản phẩm gỗ khai thác có điều kiện tham gia thị trường nguyên liệu cung cấp cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu.

Tuy vậy công tác phát triển rừng trồng sản xuất vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế từ rừng trồng còn khá thấp (chỉ 10,4 triệu đồng/ha/năm) so với bình quân của vùng và cả nước. Đặc biệt diện tích rừng quản lý bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC còn ít; quy cách, chất lượng gỗ khai thác không đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Với tình hình thực trạng như hiện nay, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế từ trồng rừng theo hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh rừng trồng hướng tới chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ khai thác, tăng tỷ lệ diện tích rừng trồng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC, cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giống, thực hiện cách mạng về giống; chuyển dần tập quán sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh rừng; thay đổi thói quen khai thác rừng non (gỗ nhỏ) sang sản xuất kinh doanh gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến gỗ hướng đến xuất khẩu; gắn phát triển rừng sản xuất với việc thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó rất cần thiết xây dựng đề án để hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất.

Để là cơ sở, tạo đà cho phát triển rừng sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập người trồng rừng, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng đề án ban hành Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2035. Đề án đặt mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững rừng sản xuất là trồng rừng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp, khả năng cạnh tranh sản phẩm và phát triển rừng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025: hàng năm, trung bình có 3 nghìn ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn, 6 nghìn ha rừng trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; có 30% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; Năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (khoảng 25 triệu/ha/năm); tỷ trọng ngành lâm nghiệp chiếm 16% tăng trưởng ngành; duy trì độ che phủ rừng hàng năm 50%. Định hướng đến năm 2035 có trên 90% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; trong quy hoạch rừng sản xuất diện tích đất trống còn dưới 10%; có trên 60% diện tích rừng trồng trong quy hoạch rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; tỷ trọng ngành lâm nghiệp chiếm 20% tăng trưởng ngành; độ che phủ rừng trên 50%.

Để thực hiện đề án trên, trong giai đoạn từ năm 2020 – 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao và phân bón 36.000 ha; chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn 18.000 ha; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC 31.500 ha; thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn. Trong giai đoạn 2026 – 2035: diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn khoảng trên 82.000 ha; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC trên 59.000 ha; tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án khoảng 2.600 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép khác.

Đề án khi được triển khai thành công sẽ kéo dài chu kỳ kinh doanh gỗ lớn, góp phần duy trì ổn định độ che phủ rừng của tỉnh trên 51%; duy trì và điều tiết nguồn nước, phòng chống lũ lụt và hấp thu các bon, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề án sẽ mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, giúp nâng cao giá tiêu thụ sản phẩm gỗ khai thác và thu nhập cho người trồng rừng; thúc đẩy và đem lại lợi ích kinh tế cho các ngành khác như công nghiệp chế biến, nông nghiệp, du lịch…Bên cạnh đó tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người trồng rừng, thu hút hàng nghìn lao động nhàn rỗi vào sản xuất lâm nghiệp…góp phần giảm bớt áp lực về lao động thất nghiệp dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị, ổn định cuộc sống ở vùng nông thôn./.