DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 39% - 46,16%

13/02/2023 00:00
Ngày 13/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 208/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2023, định hướng đến năm 2030.

Quyết định nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển hệ thống đô thị theo quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành đã được phê duyệt. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 39,00% - 46,16% và tiếp tục nâng lên khoảng 43,19% - 50,57% vào năm 2030. Trong đó, đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 23,5m2 sàn/người; chất lượng nhà ở kiên cố đạt 85%. Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị tại đô thị loại II đạt từ 15-22% trở lên; đô thị loại IV đạt từ 12-17%; đô thị loại V đạt từ 11-16%. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu tại đô thị loại II đạt từ 10-15%; đô thị loại IV đạt từ 3-5%; đô thị loại V đạt từ 1-2%. Ngoài ra, tỉnh cụ thể hóa các chỉ tiêu về cấp nước sạch, nước sinh hoạt, tỷ lệ thu gom chất thải sih hoạt, chất thải y tế, tỷ lệ chiếu sáng, mật độ cây xanh cho từng loại đô thị. Đến năm 2030, tiếp tục thực hiện và hoàn thiện chất lượng đô thị đạt mục tiêu đề ra theo Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Lộ trình nâng loại hệ thống đô thị gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2025, tỉnh có 13 đô thị. Trong đó gồm 10 đô thị hiện hữu và dự kiến hình thành 3 đô thị mới (Phong Phú-Tân Lạc; Nhân Nghĩa-Lạc Sơn; huyện Lương Sơn. Giai đoạn đến năm 2030, tỉnh có 16 đô thị, gồm 13 đô thị hoàn thành kế hoạch nâng cấp trong giai đoạn trước, 1 đô thị hiện hữu (thị trấn Chi Nê-Lạc Thủy) và dự kiến hình thành 2 đô thị (Dũng Phong-Cao Phong; Vạn Mai- Mai Châu).

Căn cứ lộ trình nâng cấp đô thị, tỉnh xác định các dự án ưu tiên trong thời gian tới. Tập trung vào các công trình hạ tầng kỹ thuật khung và công trình đầu mối kết nối hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh; các công trình hạ tầng xã hội.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư xây dựng đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 khoảng 138.072,663 tỷ đồng. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật kết nối hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 83.826,862 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Tổ chức lập Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh. Hướng dẫn các địa phương lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị từng đô thị. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách có liên quan đến quản lý phát triển đô thị.

Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động rà soát, đánh giá thực trạng phát triển các đô thị; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập Quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong đô thị thuộc địa bàn quản lý. Tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị thuộc địa phương quản lý. Chủ động, tích cực huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển đô thị phù hợp với lộ trình phát triển đô thị của địa phương và toàn tỉnh. Tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc. Tổ chức lập Đề án công nhận loại đô thị; Lập hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị hành chính đô thị theo quy định của pháp luật./.