DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Nước sạch về với người dân vùng nông thôn

06/06/2014 00:00
Sau nhiều năm tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay tỷ lệ người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khá cao. Có nước hợp vệ sinh sử dụng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống nhân dân vùng nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nước sạch về với người dân vùng nông thôn

 Đến nay, cuộc sống của hơn 100 hộ dân trong xóm Quế Kho xã Tú Sơn huyện Kim Bôi đã nâng lên rõ rệt từ khi được đầu tư xây dựng một công trình nước hợp vệ sinh. Nếu như trước đây, để có nước dùng, người dân trong xóm phải dùng xe máy chở từng can nước ở suối về dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Trước nhu cầu thực tế đó, năm 2012 Chương trình 135 đã đầu tư gần một tỷ đồng xây dựng công trình nước hợp vệ sinh, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn nước bảo đảm chất lượng. Để có được công trình nước sinh hoạt phục vụ hộ dân, xóm đã tuyên truyền, vận động và nhận được sự ủng hộ của người dân bằng việc góp công, góp sức, có hộ sẵn sàng hiến đất để xây bể chứa nước có dung tích 40 m3. Sau một thời gian triển khai, công trình đã được bàn giao và đưa vào sử dụng. Công trình có quy mô bao gồm 1 bể chính, 1 bể phụ, 1 bể chứa nước tự nhiên và 1 khu vận hành riêng. Từ khi có công trình nước hợp vệ sinh, nhân dân trong xóm không còn phải đi xa chờ từng can nước về sử dụng như trước nữa. Hiện nay, nước được dẫn về tận hộ, chất lượng nước đảm bảo vệ sinh, cung cấp ổn định ngay cả vào mùa khô. Để quản lý công trình phát huy hiệu quả lâu dài, xóm cử ra tổ quản lý vừa thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng, điều tiết nước, bảo vệ công trình, nắm bắt, tìm ra nguyên nhân hỏng hóc, sự cố nhỏ trong quá trình sử dụng. Tổ quản lý cũng đảm nhiệm việc thu phí nước sinh hoạt tiêu dùng hàng tháng, một phần duy trì vận hành, một phần dành cho bảo dưỡng, khắc phục, sửa chữa kịp thời các sự cố nhỏ.

Đó chỉ là một trong số các công trình nước hợp vệ sinh được đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong những năm qua đã và đang mang lại hiệu quả. Theo thống kê, tính hết năm 2013, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 403.509 tỷ đồng. Có thể nói, việc đầu tư các công trình nước hợp vệ sinh có trọng tâm, trọng điểm, chú ý đến người dân các vùng khó khăn ở tỉnh Hòa Bình đã và đang phát huy được hiệu quả nhất định. Chính từ việc đó đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Đến nay, qua khảo sát tỷ lệ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh là 557.646 người, đạt 78%; tỷ lệ số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh là 71.282 hộ, đạt 44,2%; số trường mầm non có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh là 158 trường; 96 trường tiểu học, đạt 43,6%; 76 trường THCS, đạt 34,5%; 28 trường THPT, đạt 62,2%; Tỷ lệ trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh là 128 trạm, đạt 61%. Đối với môi trường, tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 38%, tỷ lệ số xã có dụng cụ và hố thu gom rác sinh hoạt 14,3%, tỷ lệ làng nghề có có hệ thống xử lý chất thải khoảng 84%.  Cũng tính đến hết năm 2013, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trên địa bàn tỉnh đã có 53.737 giếng đào hợp vệ sinh; 2.199 giếng khoan tay; 3.802 chiếc lu, bể chứa nước mưa; 25.946 vòi nước máy riêng; 470 công trình cấp nước tập trung.

Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Nguyễn ánh Hồng cho biết, quá trình triển khai thực hiện, tất cả các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đều thực hiện theo đúng trình tự thủ tục đầu tư, được các cơ quan chức năng của tỉnh thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Tiến độ thực hiện các dự án đều đảm bảo, công trình xây dựng xong đều đi vào hoạt động có hiệu quả. Công tác quản lý, khai thác các công trình cấp nước sau đầu tư đều bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp nhận quản lý, vận hành, sử dụng. Ngoài ra, để các địa phương tiếp nhận và đưa công trình và sử dụng có hiệu quả Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có hướng dẫn về quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng đến các UBND các huyện, các BQL của các chương trình, dự án. Trong đó coi trọng việc các địa phương sau khi tiếp nhận công trình cần thành lập tổ quản lý vận hành công trình, xây dựng quy chế, phương thức thu phí sử dụng nước của người hưởng lợi. Đồng thời, Trung tâm NSVSMTNT cũng tiến hành mở các lớp tập huấn, đào tạo tuyên truyền viên cơ sở về NS&VSMT, hướng dẫn vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng ở một số địa phương...

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn trên địa bàn tỉnh còn kém hiệu quả, số lượng công trình hoạt động thường xuyên và hiệu quả ít; một số công trình hoạt động cầm chừng và xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là do hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sau khi được đầu tư xây dựng đều bàn giao cho chính quyền cấp xã khai thác, vận hành công trình nên chưa được quan tâm sâu sát. Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý vận hành còn yếu, năng lực không đồng đều, số công nhân được đào tạo cơ bản thấp; công tác đào tạo tăng cường năng lực chưa đầy đủ và kịp thời; trang thiết bị phục vụ sửa chữa các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn hầu như không có dẫn đến công trình xuống cấp nhanh chóng. Đặc biệt, nhiều hộ dân còn có thói quen sử dụng nước tự nhiên chưa qua xử lý dẫn đến lượng nước tiêu thụ giảm, giá thành cao, hạn chế việc mở rộng mạng lưới cấp nước.

Nhằm khắc phục những hạn chế đó, các cơ quan chức năng và địa phương cần rà soát lại những công trình kém hiệu quả để có biện pháp khắc phục. Đối với, các công trình nước hợp vệ sinh tiếp tục giao cho cấp xã quản lý nhưng phải có chủ thể quản lý và lập ra tổ chức quản lý các dự án. Ngoài ra, các công trình có quy mô lớn, công nghệ xử lý phức tạp có thể giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hoặc đấu thầu tư nhân quản lý vận hành; khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình nước sạch nông thôn; xây dựng quy định quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh và xây dựng khung giá nước sinh hoạt nông thôn theo Thông tư của Bộ Tài chính...