Với tổng diện tích chè trên 212 ha, phần lớn đã già cỗi, từ năm 2001 công ty đã mạnh dạn trồng giống chè LDPI là 5 ha. Đến nay đã phát triển trên 20 ha. Đây là giống chè ngon có năng suất rất cao cho thu hoach 20- 25 tấn 1ha/năm, cao gấp 5 lần giống chè cũ.
Đặc biệt là năm 2012, công ty tiếp tục triển khai dự án đưa cơ giới hóa vào chăm sóc, thu hoạch chè với 60 chiếc máy hái, 25 chiếc máy đốn. 60% số hộ nhận khoán đã sử dụng máy hái chè, đã khảng định nhờ cơ giới hóa đã giải quyết được vấn đề thuê lao động trong lúc chính vụ mà không ảnh hưởng đến năng xuất vườn cây. Đồng thời đảm bảo được phẩm cấp chè xanh, hạ giá thành sản phẩm.
Chúng tôi vào thăm một gia đình công nhân ở Đội sản xuất số 7- Ông Lương Duy Linh và vợ chồng người con trai là anh Lương Văn Nam và chị Nguyễn Thị Phương. Đây là một gia đình tiêu biểu đã áp dụng công nghệ khoa học cao vào lao động sản xuất. Gia đình ông nhận khoán trên 3 ha đất, trong đó từ 2008 ông trồng 2,3 ha chè lai, 0,5 ha chè Phúc Vân Tiên. Gia đình ông đã sử dụng hệ thống tưới nước tự động. Theo lời anh Nam thì đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới này mất 50 triệu đồng nhưng mỗi tháng giảm được 1 triệu đồng tiền dầu, mỗi ngày bớt được 2 công thuê tưới nước là 300.000 đồng. Anh cũng có máy cắt chè, máy đốn chè, máy phun thuốc sâu...Nếu hái chè bằng phương pháp thủ công, mỗi người một ngày chỉ hái được 30kg. nhưng dùng máy 2 người 1giờ cắt được 1 tấn chè! Như thế mới biết dùng máy móc đã giải phóng sức lao động của biết bao con người và cũng vì thế mà giá trị ngày công được nhân lên rất lớn. Ông Linh cho biết: Mỗi tháng gia đình thu 40 triệu tiền chè, trừ chi phí còn lãi 25 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Linh còn trồng được 80 cây bưởi Diễn một năm thu 30 triệu đồng, nuôi 2000 con gà ta một năm thu 200 triệu đồng; 1,3 ha cam canh mới trồng chưa được thu hái. Ngoài việc có được mức thu nhập ổn định cho gia đình mình, ông Linh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 10 công nhân nữa.
Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Sông Bôi còn đưa cây cam Canh, bưởi Diễn và cây thanh long đỏ trồng thử nghiệm. Qua một vài lứa bói đã cho năng suất cao và hứa hẹn là những cây đột phá về kinh tế .
Những khóm thanh long bám quanh trụ bê tông tán xòe như tua của những con bạch tuộc khổng lồ, chi chít quả, đẹp như một vườn cảnh. Chị Mai Thị Phương, Đội trưởng Đội sản xuất số 8 cho biết: Đội trồng được 10 ha thanh long ruột đỏ. Cây thanh long trồng sau 18 tháng cho thu hái, mỗi gốc cho từ 20-30kg quả. Năm đầu chỉ đạt 100 triệu đến 150 triệu đồng/1ha. Từ năm sau bình quân 200 triệu đồng/ 1ha. Thanh long ruột đỏ là một loại quả quý, thơm ngon, bổ dưỡng đặc biệt cho người bệnh tiểu đường, cao huyết áp nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Bôi Phạm Văn Nho cho biết: Công ty có tổng diện tích là 1.799 ha với chiếu dài là 20 km nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Lạc Thủy. Công ty có 265 cán bộ công nhân biên chế và 1293 hộ dân tham gia sản xuất. Công ty có khối văn phòng, 8 đơn vị trồng trọt, một nhà máy chế biến chè . Cây chủ lực của công ty là chè và cam canh, ngoài ra còn có một số cây ăn quả, cây nông nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng .Công ty chịu trách nhiệm lo dịch vụ vật tư, máy móc, thuốc trừ sâu, chỉ đạo kĩ thuật, phân bố thời gian thu hái, bao tiêu chế biến ,tiêu thụ sản phẩm cho công nhân. Năm 2012, giá trị sản lượng của đơn vị đạt trên 52 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011, nộp ngân sách Nhà nước 330 triệu đồng, tăng 72%. Tiền lương của cán bộ , công nhân trong danh sách đóng bảo hiểm bình quân đạt 2,8 triệu đồng /người/tháng. Thu nhập bình quân đối với hơn một nghìn hộ nhận khoán đạt trên mười tám triệu đồng /người/năm (cao hơn mức thu nhập bình quân của toàn huyện).
Kết quả này là bước bứt phá ngoạn mục của công ty, bởi cách đây bảy năm Nông trường Sông Bôi đã đứng bên bề vực phá sản, giải thể do dự án trồng và chế biến dứa hộp của người tiền nhiệm bị đổ bể, để lại khoản nợ ngân hàng hơn 6 tỷ đồng. Trong việc sai phạm của dự án trồng và chế biến dứa ngoài nguyên nhân chủ quan, dẫn đến thất thoát tiền của và một số cán bộ phải kỷ luật cũng còn có những nguyên nhân khách quan. Một trong những nguyên nhân khách quan đó và việc chậm chuyển đổi doanh nghiệp. Chủ trương thì đã có từ năm 2002, vậy mà tám năm sau doanh nghiệp này mới được chuyển đổi. Cái mô hình nông trường quốc doanh đã tồn tại từ mấy chục năm nay đã tỏ ra rệu rã, không còn thích hợp với cơ chế thị trường và xu thế hội nhập. Trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý, tìm hướng đi mới, công ty đã đoàn kết, đúc rút kinh nghiệm, học hỏi từng bước vượt qua khó khăn để vươn lên. Ba năm gần đây công ty đã tạo nên một vùng chuyên canh năng suất cao, 1 ha cho thu nhập bình quân đạt 140 triệu đồng. Kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ vật tư tiên tiến tạo sức hút cho công nhân và nhân dân lao động quanh vùng. Năm 2012 công ty đã được nhà nước xếp vào tốp 5 của những doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình.
Trong phương án sản xuất kinh doanh giai đoạn 2013 – 2020, công ty TNHH một thành viên Sông Bôi sẽ định hình 400 ha chè, 250 ha cam, 200 ha cây ăn quả khác, 385 ha cây ngắn ngày và 481 ha rừng trồng. Công ty sẽ huy động nguồn vốn đầu tư thâm canh vườn chè và vườn cam hiện có, đầu tư trồng mới chè và cam bằng giống mới năng suất, chất lượng cao; đầu tư xây dựng mới Nhà máy chế biến chè xuất khẩu công suất 25 tấn nguyên liệu/ngày. Với đà chuyển mình như hiện nay, vùng đất Nông trường Sông Bôi xưa chắc chắn sẽ trù phú trong một tương lai gần.