Là một trong những người có nhiều năm đồng hành cùng hoạt động sản xuất nông sản hữu cơ trên địa bàn, chị Hoàng Thị Thức - Trưởng nhóm rau Nà Lều – thôn Đồng Sương – xã Thành lập - huyện Lương Sơn nhớ lại: những ngày đầu bắt tay vào thực hiện trồng rau hữu cơ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do trình độ sản xuất, kỹ thuật canh tác, rồi thị trường tiêu thụ…. Song với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các hộ tham gia, mọi người đã cùng nhau vượt qua khó khăn trên cơ sở thực hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa "4 nhà" gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp.
Dưới hình thức tự nguyện tham gia, hay còn gọi là "nhóm sở thích", các thành viên tham gia sản xuất rau hữu cơ tại xã Thành Lập được tạo điều kiện về đất canh tác; được tập huấn về khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật. Theo đó, trước khi thực hiện mô hình, người nông dân được Hội Nông dân huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông khuyến lâm, Trường Cao đẳng nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ....tổ chức huấn luyện trong thời gian 4 tháng theo phương pháp hiện trường về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản rau, củ theo phương pháp hữu cơ... Kết thúc khóa học, các thành viên được cấp chứng chỉ và chỉ những ai có chứng chỉ mới đủ điều kiện để tham gia mô hình trồng rau hữu cơ.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên trong quá trình sản xuất, các thành viên tham gia mô hình đã tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật. Việc sản xuất nông sản hữu cơ chủ yếu tập trung vào trồng rau hữu cơ với hơn 20 loại rau được trồng theo hình thức luân canh và xen canh, nên bảo đảm nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Rau giống do Trung tâm giống cây trồng của tỉnh Hòa Bình trực tiếp cung cấp. Người sản xuất cam kết tuyệt đối không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng ủ hoai mục từ 3-6 tháng). Đồng thời, để bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, người trồng rau hữu cơ cũng không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng thuốc thảo dược tự chế. Ngoài ra, trên lối đi trồng các loại cây dẫn dụ (chủ yếu là các loại hoa như: Cúc vạn thọ, hoa bóng nước…) để thu hút các loại “thiên địch”, hạn chế côn trùng phá hoại rau.
Các hộ tham gia mô hình cũng đặc biệt chú ý đến nguồn nước tưới được sử dụng là nước giếng khoan hoặc nước dẫn từ suối về. Do đó, sản phẩm rau hữu cơ luôn bảo đảm tốt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, do quy trình sản xuất phải đảm bảo chặt chẽ nên giá thành sản phẩm rau hữu cơ làm ra cũng cao hơn so với các loại rau thông thường. Những năm đầu tiên, các hộ tham gia mô hình gặp khá nhiều khó trong việc tìm thị trường tiêu thụ. Vừa làm, vừa tìm kiếm đầu ra cho rau hữu cơ, với vai trò là cầu nối, Hội Nông dân huyện Lương Sơn đã liên kết, phối hợp với một số doanh nghiệp ở Hà Nội để ký kết tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ cho bà con nông dân. Nhờ đó, người sản xuất đã thực sự gắn bó với mô hình trồng rau hữu cơ này.
Đến nay, xã Thành Lập có tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ gần 3ha tại các thôn Đồng Sương và thôn Sòng với 30 thành viên tham gia sản xuất. Mỗi năm, cung cấp cho thị trường trung bình khoảng 70 tấn rau các loại. Riêng năm 2016, đã cung cấp cho thị trường gần 80 tấn rau các loại. Ngoài một tỷ lệ nhỏ tiêu thụ tại địa phương, phần lớn sản lượng rau hữu cơ của nông dân xã Thành Lập đều được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua 3 đầu mối chính là: Công ty VinaGap, Công ty Tràng An và Công ty Tâm Đạt.
Không chỉ giúp người sản xuất có thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, mô hình sản xuất rau hữu cơ còn có ý nghĩa lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng nông sản an toàn, chất lượng bảo đảm. Ông Lê Văn Ý - Chủ tịch hội nông dân xã Thành Lập – huyện Lương Sơn cho biết: Theo chủ trương chỉ đạo chung của huyện, mục tiêu trong thời gian tới, xã Thành Lập sẽ mở rộng sẽ mở rộng thêm 2 ha sản xuất rau hữu cơ, nâng tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ của xã lên gần 5ha. Để có thể thực hiện tốt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, trực tiếp là Hội nông dân huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, trang bị các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất mở rộng diện tích rau hữu cơ; tiếp tục quản lý và thực hiện tốt quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ vững và phát triển thương hiệu nông sản hữu cơ của địa phương.
Với những hướng đi tích cực, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của hội viên nông dân xã Thành Lập nói riêng và của huyện Lương Sơn nói chung đã và đang góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là định hướng lâu dài của huyện về một nền nông nghiệp sạch, hiện đại và bền vững, tiếp tục phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, góp phần bảo vệ sức khỏe của mỗi gia đình, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng./.