DetailController

Giáo dục

Những kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tại địa phương và các ngành, đoàn thể

27/12/2022 00:00
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 20-CT/TW đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đến nay, tỷ lệ sưu tầm, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bộ, truyền thống cách mạng qua các năm của các địa phương, cơ quan, đơn vị không ngừng tăng lên. Hầu hết các huyện, thành phố đã chỉ đạo biên soạn tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy trong Trung tâm Chính trị cấp huyện.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu về lịch sử Đảng có nội dung quan trọng ý nghĩa khoa học và thực tiễn được tổ chức triển khai. Nhận thức về vị trí, vai trò, tính cấp thiết của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của các cấp ủy, các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, phối hợp giữa đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Sau khi hoàn thành Bộ Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929-2010, trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung và xuất bản cuốn sách“Địa chí tỉnh Hòa Bình”; Biên tập và xuất bản cuốn “Kỷ yếu Hội thảo 85 năm thế giới công nhận Nền Văn hoá Hòa Bình”; sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với tỉnh Hòa Bình” làm phong phú thêm lịch sử Đảng bộ tỉnh. Ban thường vụ Tỉnh ủy đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Đề án sưu tầm, biên soạn, xuất bản bộ sách “Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020”. Sau khi bộ sách xuất bản sẽ là công trình đầu tiên phản ánh một cách khách quan, toàn diện và hệ thống lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh, cũng như những đóng góp của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình trong quá trình dựng nước, giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Công trình sẽ góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy kho tàng tư liệu quý giá về vùng đất và con người Hòa Bình, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tính đến tháng 10/2022, có 10/10 huyện, thành phố đã xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương. Một số Đảng bộ như Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn, Mai Châu đã biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ huyện đến năm 2020. Trong 5 năm (2018 - 2022), các Đảng bộ cấp huyện đã ban hành 17 công trình lịch sử Đảng bộ cấp huyện và 22 các công trình lịch sử khác; huyện Lương Sơn, Mai Châu đã hoàn thành các công trình lịch sử đảng bộ cấp xã theo địa giới hành chính cũ chưa sáp nhập. Đảng bộ thành phố Hòa Bình đã ban hành được 6 công trình lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành và lực lượng vũ trang; Đảng bộ huyện Tân Lạc đã ban hành được 11 công trình cả lịch sử đảng bộ địa phương và các công trình khác. Đảng bộ huyện Lạc Sơn đã ban hành được 8 công trình lịch sử Đảng bộ huyện và lịch sử truyền thống ngành,… Đảng bộ Quân sự tỉnh đã xuất bản 3 đề tài lớn là “Lịch sử kháng chiến tỉnh Hòa Bình”, “Lịch sử Quân sự tỉnh Hòa Bình”, “Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Hòa Bình”; chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức xây dựng lịch sử kháng chiến, lịch sử quân sự của địa phương. Đảng bộ Công an tỉnh trong 5 năm đã xuất bản một số công trình lịch sử lịch sử, gồm: Lịch sử Công an Nhân dân tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2001-2015; Lịch sử Công an thành phố Hòa Bình 1945-2020; Biên niên sự kiện lịch sử Công an huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 1991-2016; Biên niên sự kiện lịch sử Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, giai đoạn 1991-2016.

Cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tích cực khai thác các tư liệu lịch sử, đầu tư về kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương và huy động nguồn kinh phí trong Nhân dân, huy động cán bộ, giáo viên nghỉ hưu tham gia vào việc sưu tầm, biên soạn. Tính đến năm 2022, có 137/151 xã trên toàn tỉnh đã xuất bản lịch sử Đảng bộ xã. Có 15 công trình đang trong quá trình sưu tầm, biên soạn, chỉnh sửa, chuẩn bị xuất bản.

Xuất phát từ yêu cầu tổng kết thực tiễn và giáo dục truyền thống cách mạng, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đều thành lập ban chỉ đạo, ban sưu tầm - biên soạn để tổ chức thực hiện các công trình lịch sử và truyền thống của ngành, đơn vị. Kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ cho sưu tầm và biên soạn, xuất bản được cấp kịp thời. Sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đã giúp cho công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Tính đến nay, đã có trên 30 ban, sở, ngành, đoàn thể xuất bản lịch sử truyền thống.

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là từ năm 2020 đến đầu năm 2022, trước diễn biến rất phức tạp của đại dịch Covid-19, có thời điểm tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, nhưng các cấp ủy và các ngành trong tỉnh đã nỗ lực, thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Tính đến tháng 10/2022 tổng số các công trình đã xuất bản và đang triển khai là 220 công trình, đây là sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống các cấp ủy đảng, các địa phương, sở, ban, ngành./.