DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh

23/12/2015 00:00
Thực hiện quyết định số 316/QĐ-UBND, ngày 24/3/2014 của UBND tỉnh về việc phân công cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2014 -2020 trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, ngành NN&PTNT đã phân công, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc giúp đỡ 5 xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách Chương trình 135 giai đoạn III của Chính Phủ trên địa bàn huyện Yên Thủy và đạt được hiệu quả tích cực, toàn diện. Góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của của người dân 5 xã được phân công.

 Ngành NN&PTNT được phân công giúp đỡ 5 xã thuộc huyện Yên Thủy gồm: Hữu Lợi, Lạc Hưng, Lạc Lương, Lạc Sỹ và Bảo Hiệu. Các hình thức giúp đỡ được ngành NN&PTNT triển khai toàn diện trên các mặt như: nâng cao năng lực quản lý điều hành cho cấp xã; tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây và hỗ trợ thực hiện các mô hình chăn nuôi;  hỗ trợ nguyên vật liệu, phân bón và cây con giống cho các hộ nông dân; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện chức năng bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức tập huấn tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cho nhân dân. Trong đó, tập trung vào các luật Bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; Luật Hợp tác xã… Tổ chức chúc tết và hỗ trợ các gia đình chính sách trên địa bàn các xã.

Tại xã Lạc Hưng, ngành NN&PTNT đã hỗ trợ trồng cây mây nếp trên quy mô 13ha cho 23 hộ với tổng kinh phí gần 52 triệu đồng. Nhân dịp tết cổ truyền, đoàn công tác ngành đã đến thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách với giá trị 5 triệu đồng. Đối với xã Hữu lợi, ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế và kĩ thuật sản xuất, ngành còn hỗ trợ gia đình chính sách với tổng kinh phí gần 11 triệu đồng. Đặc biệt, tại xã Lạc Lương, công tác quản lý, phòng chống cháy rừng được phối hợp tốt với chính quyền địa phương. Do đó, đã chủ động và phát hiện kịp thời những hành vi xâm hại rừng. Đến hết ngày 20/12/2015 không xảy ra vụ cháy rừng nào. Tại xã Lạc Sỹ, nổi bật nhất là công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người quản lý; nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, 100% hội viên phụ nữ xã được tập huấn tại cơ sở. Tại xã Bảo Hiệu, công tác hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi được chú trọng. Bên cạnh đó, ngành hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất theo dự án Bảo vệ và phát triển trừng với diện tích trên 45ha.

Có thể nói, qua việc giúp đỡ 5 xã khó khăn huyện Yên Thủy đã giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách chương trình, dự án trên địa bàn huyện. Phát huy nội lực quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội với các xã khác. Góp phần giữ gìn và phát huy đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc.

Thông qua thực hiện giúp đỡ đã phát huy được tiềm lực, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình dự án, chính sách đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường. Xây dựng mô hình phát triển vùng, cải tạo vườn cây ăn quả, trồng và phát triển các loại cây dược liệu quý; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật; hướng dẫn các hộ dân phát triển sản xuất thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Năng suất cây trồng dược cải thiện, đời sống người dân ngày một nâng lên, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đa số các hộ nông dân đã nhận thức được vai trò của khoa học kĩ thuật trong sản xuất, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật được tập huấn vào chăn nuôi gia súc, thủy sản tại gia đình để nâng cao hiệu quả.

Thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ các xã khó khăn. Trong đó, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng xã với mục tiêu được đưa ra từng năm nhằm có kế hoạch tổ chức hiệu quả. Đối với phần hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ngành bám vào các thời vụ để triển khai dự án cho phù hợp; vận động nhân dân giải phóng mặt bằng để triển khai kế hoạch dự án đúng tiến độ. Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả toàn diện trên các mặt đời sống của nhân dân, cơ quan nhà nước và các ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn ngân sách từ các chương trình, dự án khác trên cùng một địa bàn.