DetailController

Giao thông

Ngành giao thông - vận tải: Phục vụ đắc lực cho giao lưu, phát triển kinh tế địa phương

14/12/2009 00:00

Nhờ sự thuận tiện của hệ thống giao thông thuỷ, bộ mà tỉnh Hoà Bình có điều kiện đẩy mạnh giao lưu, phát triển kinh tế với các tỉnh miền núi Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ. Đây là lợi thế để Hoà Bình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ an ninh - quốc phòng.

Hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thông suốt 4 mùa, hoạt động vận tải đảm bảo mục tiêu lưu thông hàng hoá và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Đó là những kết quả đáng ghi nhận mà ngành giao thông - vận tải Hoà Bình đã đạt được trong những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh và hơn hết là nhờ phát huy hiệu quả phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tô đẹp thêm diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhờ sự thuận tiện của hệ thống giao thông thuỷ, bộ mà tỉnh Hoà Bình có điều kiện đẩy mạnh giao lưu, phát triển kinh tế với các tỉnh miền núi Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ. Đây là lợi thế để Hoà Bình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ an ninh - quốc phòng.

Khai thác các tuyến đường thuỷ nội địa

Hoà Bình có hệ thống sông, suối tương đối đa dạng, phong phú, nhưng chỉ có sông Đà và sông Bôi được sử dụng khai thác vận tải thuỷ nội địa.

Sông Đà chảy qua địa bàn tỉnh Hoà Bình với chiều dài 103 km, chia làm hai khu vực có đặc điểm rất khác nhau. Khu vực thượng lưu (từ phía thượng lưu đập thuỷ điện ngược theo dòng sông lên hết địa phận tỉnh Hoà Bình) dài 78 km. Vùng này là lòng hồ thuỷ điện có chiều rộng lớn, nước không chảy xiết và có nhiều ngòi vào các địa phương ven hồ, độ cao mực nước của hồ thường dao động trong khoảng 80 - 105 m, rất thuận tiện cho giao thông - vận tải đường thuỷ ngược lên Tây Bắc. Khu vực hạ lưu được tính từ đập thuỷ điện xuôi theo dòng sông đến hết địa phận Hoà Bình có chiều dài 25 km. Chiều rộng của lòng sông khoảng 150 - 300 m, mực nước ở độ cao khoảng 13 - 15 m, nước chảy không xiết và không có ghềnh thác, rất thuận lợi cho khai thác vận tải thuỷ nội địa.

Để khai thác tiềm năng này, tỉnh đã quy hoạch hệ thống cảng và bến thuỷ nội địa trên tuyến sông Đà gồm 4 cảng kinh doanh (cảng Hoà Bình, cảng Ba Cấp, cảng Bích Hạ, cảng Bình Thanh), 4 cảng chuyên dùng (cảng hạng nặng, cảng kho 3, cảng sửa chữa phương tiện thuỷ, cảng nhà máy xi măng sông Đà); 3 bến chợ (bến chợ Hạt, bến chợ Bờ, bến chợ suối Rút); 8 bến bốc xếp vật liệu xây dựng và một số bến đò ngang (các bến đò ngang đều thuộc vùng hạ lưu đập thuỷ điện).

Sự đa dạng về hệ thống cảng và bến thuỷ đã thu hút lượng phương tiện vận tải thuỷ tham gia hoạt động khá đông đảo. Trên tuyến sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hoà Bình thường xuyên có hơn 500 phương tiện vận tải thuỷ. Các loại phương tiện thuỷ hoạt động trên tuyến sông này chủ yếu là các loại tàu, thuyền gia dụng có trọng tải nhỏ, thuộc sở hữu của các hợp tác xã, các công ty du lịch. Các phương tiện này làm nhiệm vụ vận chuyển nông, lâm sản và các loại vật tư, vật liệu phục vụ cho nhân dân vùng hồ sông Đà và một bộ phận phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển khách du lịch vùng hồ.

Hiện nay, để phục vụ cho công trình thuỷ điện Sơn La, Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải đã ký quyết định đầu tư một số bến, cảng trên sông Đà có quy mô và năng lực bốc xếp tương đối lớn, trong đó có cảng Bích Hạ thuộc địa phận thị xã Hoà Bình. Tỉnh Hoà Bình cũng đang đầu tư, nâng cấp một số bến thuyền, bến chợ, mở đường ven sông bằng nguồn vốn từ dự án giảm nghèo (vay vốn Ngân hàng Thế giới), Chương trình 135, dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng lòng hồ sông Đà (dự án 472).

Như vậy, trong tương lai gần, tuyến sông Đà là tuyến sông có hệ thống bến cảng, bến thuỷ phát triển, thuận tiện cho lưu thông hàng hoá, giao lưu đi lại của nhân dân và sẽ là khu du lịch tương đối lý tưởng.

Ngoài sông Đà, sông Bôi với chiều dài khoảng 60 km chảy qua 02 huyện Kim Bôi và Lạc Thuỷ của tỉnh Hoà Bình xuống sông Đáy của tỉnh Ninh Bình cũng có thể khai thác vận tải thuỷ nội địa. Mặt cắt ngang của dòng sông nhỏ, không có ghềnh thác, nhưng về mùa khô mực nước trên sông nhỏ, do vậy chỉ thuận tiện trong việc khai thác vận tải thuỷ vào mùa mưa cho các phương tiện vận tải thuỷ nội địa gia dụng có trọng tải nhỏ để chuyên chở vật tư phục vụ sản xuất, vật liệu xây dựng của nhân dân 2 huyện trong tỉnh và các địa phương khác như huyện Gia Viễn, Nho Quan của Ninh Bình. Hệ thống bến cảng, bến thuỷ trên tuyến sông Bôi chỉ có 05 bến đò ngang hoạt động không thường xuyên, chủ yếu phục vụ cho công việc canh nông của người dân hai bên bờ sông.

Hệ thống đường bộ tăng về chất và lượng

Khi mới tách tỉnh (năm 1991), toàn tỉnh có 438 km quốc lộ + một số đường do Trung ương uỷ thác quản lý thì chỉ có duy nhất quốc lộ 6 (123 km qua tỉnh Hoà Bình) đạt tiêu chuẩn đường cấp V, còn các tuyến quốc lộ khác chỉ được rải cấp phối, các cầu trên các tuyến có tải trọng rất thấp (H10 trở xuống). Hệ thống tỉnh lộ có khoảng 200 km thì 90% là đường đất và các cầu, cống trên tuyến rất tạm bợ. Toàn tỉnh có gần 20 xã không có đường cho xe cơ giới đến trung tâm như: Yên Hoà, Đồng Ruộng, Đoàn Kết, Đồng Chum, Mường Tuổng, Vầy Nưa, Tâm Mai, Tự Do, Quyết Chiến, Lỗ Sơn, Gia Mô, Lũng Vân,... Sau hơn 10 năm, diện mạo giao thông đường bộ của tỉnh đã đổi thay khá nhiều. Tất cả các tuyến đường trục từ tỉnh lỵ Hoà Bình đến trung tâm các huyện trong tỉnh đều được nhựa hoá, chấm dứt tình trạng tắc đường do lầy khi trời mưa. Tất cả các cầu trên quốc lộ đều được cải tạo, xây dựng đồng bộ với tải trọng của đường, tình trạng tắc đường do cầu yếu trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh không còn xảy ra. Đặc biệt, ngành giao thông - vận tải Hoà Bình đã thực hiện vượt tiến độ trong việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2004, 213/214 xã, phường của tỉnh có đường cho xe cơ giới đến trung tâm xã. Riêng tuyến đường đến xã Tân Dân (huyện Đà Bắc) đã khởi công xây dựng từ tháng 10-2004 và dự kiến thông xe trong năm 2005.

Chất lượng các tuyến đường cũng từng bước được nâng cao. Từ đầu năm 2000 đến năm 2005, trên hệ thống quốc lộ và những tuyến đường do Bộ Giao thông - Vận tải giao cho Sở Giao thông - Vận tải Hoà Bình quản lý, ngành đã nâng cấp rải nhựa bê tông asphalt 42,6 km; cải tạo nâng cấp rải đá dăm láng nhựa 54 km; xây dựng mới gần 20 cầu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực tải trọng H30-X80. Các tuyến tỉnh lộ như 431, 433, 434, 435, 442 (Yên Trị - Ngọc Lương), 445 (Pheo - Ghẹ), 446 (Bãi Nai - Đồng Dăm) đều được nâng cấp, rải mặt đường đá dăm, láng nhựa khoảng 80 km; xây dựng mới cầu Chi Nê, cầu Yên Đội trên tỉnh lộ 438. Các đường trục huyện, đường liên xã như Chiềng - Chum, Chiềng - Tuổng, Thung Nai - Ngòi Hoa, Phúc Sạn - Tân Mai, Tiền Phong, Vầy Nưa, Tú Sơn - Thung Rếch,... được mở mới và nền đường được láng nhựa khoảng 80 km, xây dựng 19 cầu với tổng chiều dài 868 m. Các tuyến đường xã, thôn, xóm cũng được xây dựng thêm nhiều tuyến mới, rải mặt đường đá dăm và mặt đường bằng bê tông xi măng lên tới hàng trăm km.

Cùng với nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ, ngành cũng chú trọng đến việc giữ gìn sự bền vững cho các tuyến đường, giữ gìn "tài sản của đất nước", đảm bảo khai thác hiệu quả các tuyến đường hiện có. Sở Giao thông - Vận tải Hoà Bình đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ khắc phục các điều kiện khó khăn về vốn, bám sát mục tiêu kế hoạch đặt ra là mặt đường êm thuận, lề sạch, rãnh thông, đảm bảo an toàn giao thông, thông suốt trong mọi tình huống. Sở được Bộ Giao thông - Vận tải giao trực tiếp quản lý, bảo trì 299 km quốc lộ, một số tuyến đường do Trung ương uỷ thác quản lý, tỉnh giao quản lý bảo trì 377 km đường tỉnh và 2 cầu lớn dài 618 m (cầu Hoà Bình và cầu Chi Nê). Với số tiền phục vụ cho công tác sửa chữa hàng năm chỉ đảm bảo được khoảng 40% nhu cầu, nhưng ngành đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước cấp. Các tuyến đường luôn được sửa chữa kịp thời, đảm bảo không xuống loại, xuống cấp và đặc biệt có tuyến được bình chọn là "Con đường đẹp Việt Nam".

Hoạt động vận tải đi vào nền nếp

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giao thông - vận tải, cùng với xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo cho các phương tiện đi lại dễ dàng, thuận tiện, tỉnh và ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh vận tải. Ngoài việc thực hiện chức năng quản lý ngành trên địa bàn, Sở Giao thông - Vận tải Hoà Bình còn hướng dẫn, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong chiến lược kinh doanh, hướng dẫn các quy định, quy phạm để doanh nghiệp chủ động đầu tư phương tiện. Nhiều phương tiện vận tải hành khách có chất lượng cao đã được đưa vào hoạt động thay thế các phương tiện cũ kém chất lượng.

Nhờ đó, nếu trước năm 2000 toàn tỉnh có chưa đầy 10 doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hàng hoá và hành khách, thì đến năm 2005 có hàng trăm doanh nghiệp tham gia với gần 3.000 phương tiện vận tải đường bộ và 300 phương tiện vận tải thuỷ nội địa. Hệ thống vận tải hành khách đường bộ có 79 tuyến, trong đó có 63 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh và 16 tuyến vận tải hành khách nội tỉnh. Tại bến xe khách thị xã Hoà Bình hàng ngày có hàng trăm phương tiện vận tải hành khách xuất bến đi các tỉnh và các địa phương trong tỉnh với những xe đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân. Riêng tuyến Hoà Bình - Hà Đông cứ 7 phút có một xe khách xuất bến và có 72 chuyến xe chất lượng cao xuất bến trong một ngày.

Từ tháng 1-2005, Luật giao thông đường thuỷ nội địa có hiệu lực thi hành. Để nâng cao hiểu biết về pháp luật cho các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân hoạt động vận tải thuỷ, Sở Giao thông - Vận tải Hoà Bình đã phối hợp cùng Đoạn quản lý đường sông số 9 (Cục Đường sông Việt Nam), cảnh sát giao thông đường thuỷ và chính quyền các huyện mở nhiều lớp học tập, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật giao thông đường thuỷ và các văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, sở chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra các phương tiện thuỷ để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, yêu cầu các tổ chức, cá nhân nghiêm túc chấp hành đúng luật.

Trong tương lai gần, thị xã Hoà Bình sẽ trở thành đô thị loại III, huyện Lương Sơn sẽ trở thành thị xã và một số cụm xã như trung tâm cụm xã Mường Chiềng, trung tâm cụm xã Lũng Vân,... cũng phát triển thành thị trấn. Để phục vụ cho các trung tâm này đòi hỏi kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải phải phát triển tương xứng, thậm chí đi trước một bước. Đó là yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề đặt ra cho ngành giao thông - vận tải Hoà Bình. Phát huy những thành tích đã đạt được, ngành sẽ phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ông Bùi Văn Thắng - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hoà Bình - cho biết: "Ngay sau khi tái lập tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải Hoà Bình đã tích cực tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông - vận tải trên địa bàn tỉnh với phương châm "giao thông phải đi trước một bước". Mục tiêu cần đạt được là giao thông - vận tải phải phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu của nhân dân; giao thông - vận tải phải là công cụ, phương tiện cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo phục vụ tốt nhất cho an ninh - quốc phòng".

Một số tuyến đường bộ quan trọng

- Quốc lộ 6 chạy qua địa bàn tỉnh Hoà Bình có chiều dài 123 km, bắt đầu từ km 38 tại huyện Lương Sơn, qua Kỳ Sơn, thị xã Hoà Bình, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu lên Sơn La.

- Quốc lộ 12B đi qua địa bàn tỉnh Hoà Bình có chiều dài 64 km, từ Nho Quan (Ninh Bình) qua huyện Yên Thuỷ, Lạc Sơn, Tân Lạc và nối với quốc lộ 6 tại km 102 (ngã ba Mãn Đức đi Sơn La).

- Quốc lộ 21 chạy qua địa bàn tỉnh Hoà Bình có chiều dài 49 km, từ km 46 thuộc huyện Lương Sơn, qua huyện Kim Bôi, Lạc Thuỷ đến địa phận tỉnh Hà Nam tại km 95.

- Đường 12B là tuyến đường vành đai có chiều dài 47 km, bắt đầu từ km 0 (đỉnh dốc Cun tại km 78 - quốc lộ 6) đi dọc huyện Kim Bôi và kết thúc ở km 47 nối với quốc lộ 21 tại ngã ba Hàng Đồi.

Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010

- Tỉnh lộ: tiếp tục nâng cấp, cải tạo rải nhựa mặt đường 121,7 km, đảm bảo đến năm 2010 100% tuyến tỉnh lộ được nhựa hoá.

- Đường trục huyện, liên xã: 50% tuyến được rải mặt đường bằng đá dăm láng nhựa + bê tông xi măng (300 km).

- Đường liên thôn xóm: 50% tuyến được bê tông xi măng + đá dăm láng nhựa (hơn 1.000 km).

- Xây dựng và hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống thoát nước trên các tuyến đường huyện (100 m cầu và khoảng 3.000 m cống).

- Thay thế cơ bản các cầu yếu trên đường tỉnh, đường trục huyện (hơn 300 cầu).

- Vận tải hàng hoá đạt gần 2 triệu tấn, hành khách gần 3 triệu lượt người, doanh thu vận tải đạt 200 tỷ đồng.

Hòa Bình - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI