DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh

15/04/2024 15:31
Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 và Kết luận số 82-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ; thực tiễn khẳng định Nghị quyết, Kết luận của Đảng là phù hợp với yêu cầu của đổi mới.
Sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân

Mục tiêu sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp gắn với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh nhất là vùng sâu, vùng xa theo yêu cầu Nghị quyết 30-NQ/TW được thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả tích cực; an ninh, trật tự và an toàn trong quá trình sắp xếp, đổi mới được đảm bảo, giảm thiểu hiện tượng xung đột, mâu thuẫn lớn tại vùng sâu, vùng xa, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình sắp xếp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; việc xác định rõ diện tích công ty nông, lâm nghiệp giữ lại sử dụng và diện tích đất giao về địa phương đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; sau sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp đã có nhiều chuyển biến về phương thức tổ chức, nguồn vốn được tăng lên, lao động được sử dụng hiệu quả; công tác chăm lo đời sống, giải quyết chế độ chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật; nhiều tồn tại về tài chính được xử lý, tạo tiền đề cho doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Các công ty nông, lâm nghiệp đã chủ động ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; các sản phẩm nông nghiệp của các hộ nhận khoán và Nhân dân trong vùng được bao tiêu kịp thời, ổn định.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5/6 công ty nông, lâm nghiệp lập và trình phương án sử dụng đất với diện tích là 8.739,08 ha, trong đó Công ty TNHH Một thành viên 2-9 Hòa Bình 475,22 ha; Công ty TNHH Một thành viên Sông Bôi Hòa Bình 1.007,68 ha; Công ty TNHH Một thành viên Thanh Hà Hòa Bình 569,56 ha; Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong Hòa Bình 830,33 ha và Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình 5.856,29 ha. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt phương án sử dụng đất cho 04 công ty nông nghiệp với tổng diện tích là 2.882,79 ha; còn lại phương án sử dụng 5.856,29 ha (đợt 1) của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình đã lập xong để trình thẩm định, tuy nhiên hiện nay đang triển khai rà soát các nội dung liên quan đến Kết luận Thanh tra Chính phủ thanh tra Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.

Sau quá trình sắp xếp, đổi mới hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 02 nông, lâm trường có diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, bao gồm Chi nhánh Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần - Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình có tổng diện tích đất lâm nghiệp được giao là 7.699,7 ha, trong đó: Diện tích có rừng 5.219,9 ha (bao gồm: rừng tự nhiên 175 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 29,3 ha; rừng phòng hộ là rừng tự nhiên 145,7 ha); rừng trồng 5.044,9 ha; diện tích đất chưa có rừng 2.479,8 ha. Công ty TNHH Hai thành viên Thăng Long - Sông Bôi có tổng diện tích đất lâm nghiệp được giao 257,09 ha, trong đó toàn bộ diện tích là rừng trồng. Trong hai đơn vị hiện có đất lâm nghiệp được giao, Công ty TNHH Hai thành viên Thăng Long - Sông Bôi không có rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Chi nhánh Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần - Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình đã xây dựng hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững, phương án phòng chống cháy rừng để thực hiện. Qua đó, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng luôn được chú trọng, rừng được quản lý, bảo vệ tốt không xảy ra cháy rừng và các hành vi khai thác lâm sản trái phép; ngoài ra công ty còn tích cực đưa giống mới, cây giống sản xuất bằng phương pháp công nghệ tiên tiến (công nghệ giâm hom; nuôi cấy mô) vào trồng rừng kinh tế; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác qua đó nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm gỗ khai thác; xây dựng quy trình và đề nghị cấp Chứng chỉ FSC được 6.103,53 ha rừng (bao gồm cả rừng tự nhiên) nhằm đáp ứng yêu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Để đạt được những kết quả tích cực trên tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, quản lý Nhà nước của chính quyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW thành các chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng bộ và phân công, phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; đảm bảo người dân có đất sinh sống, đất sản xuất, ổn định đời sống, gắn bó với công ty sau sắp xếp; tập trung giải quyết đúng pháp luật trong quản lý đất đai, nhất là đối với đất tranh chấp, lấn chiếm là điều kiện tiên quyết, đồng thời giải quyết hài hòa lợi ích của người nhận khoán đất, rừng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp gắn với tái cơ cấu phải thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng phải có chương trình, kế hoạch; bám sát cùng các công ty nông, lâm nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tổ chức sắp xếp, đổi mới./.