Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 3324/QĐ-UBND ngày 29/12/2016. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể từ năm 2016 - 2020 đã dành 5.015 tỷ đồng, chiếm 33% tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để đầu tư các công trình giao thông. Tỉnh cũng rất chú trọng thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư các công trình giao thông lớn, trọng điểm theo hình thức đối tác công tư và huy động các nguồn lực của Nhân dân để phát triển giao thông nông thôn. Kết quả đã có nhiều công trình giao thông đường bộ đã và đang được đầu tư như xây dựng mới như: Đường Hoà Lạc - thành phố Hoà Bình, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, Quốc lộ 21, Quốc lộ 12B, đường 433 (Km0 - Km23), đường 431, đường 438B, đường tỉnh 435, đường liên huyện các xã vùng cao huyện Lạc Sơn, Tân Lạc và các công trình giao thông nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 11.238 km đường giao thông các loại, chất lượng mặt đường được nâng lên đáng kể; mặt đường được nhựa hoá, bê tông hoá đạt tỷ lệ cao, cụ thể: Quốc lộ đạt 100%, đường CT229 và đường tỉnh đạt 98%, đường huyện đạt 73,7%, đường xã, liên xã đạt 55%, đường đô thị đạt 91%. Ngoài đường bộ, trên địa bàn tỉnh có 02 sông có thể khai thác hoạt động đường thủy nội địa, đó là Sông Đà với chiều dài 151 km và Sông Bôi chảy qua huyện Kim Bôi, Lạc Thủy dài khoảng 60 km.
Tỉnh đã Hòa Bình đã quy hoạch 08 Khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích là 1.507,4 ha và 21 Cụm công nghiệp (CCN), tổng diện tích gần 866,605 ha. Trong đó đã thành lập 03 KCN, 15 CCN và có 03 KCN, 11 CCN đang được triển khai đầu tư hạ tầng. Các KCN đều được quy hoạch dọc theo các tuyến đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình, Quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh, gần với thành phố Hà Nội; các cụm công nghiệp được quy hoạch tại trung tâm của tất cả các huyện, tập trung ở vùng động lực nên rất thuận lợi cho việc giao thương, luân chuyển hàng hóa.
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 622 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 583 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 105.076 tỷ đồng và 39 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 616,36 triệu USD và sử dụng khoảng 36.010 ha đất; trong đó có 132 dự án đầu tư trong Khu, cụm công nghiệp (KCCN) và 490 dự án đầu tư ngoài KCCN. Trong tổng số 622 dự án đầu tư còn hiệu lực, có 345 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 55,46% tổng số dự án; 37 dự án đang triển khai xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị, chiếm 5,95%; 154 dự án còn đang thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường chiếm 24,76%; 86 dự án tiến độ thực hiện chậm so với cam kết chiếm 13,83%. Trong đó: có 421 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; 147 dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; 54 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Từng bước nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đưa tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt từ 9% trở lên; tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trong nước đạt khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 01 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích tự nhiên của tỉnh./.