Bám sát chủ trương đó khi thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Hòa Bình đến năm 2020”, tỉnh Hòa Bình đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2017 – 2020 là: Hỗ trợ đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng cho 35.000 LĐNT, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.000 – 9.500 người. Sau đào tạo có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Trong đó tập trung vào các ngành nghề theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT về đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT giai đoạn 2016-2020 gồm: Ngành nghề về kỹ thuật và quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho người dân ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Ngành nghề đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển. Các địa phương lựa chọn ngành nghề phù hợp gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có liên kết sản xuất – tiêu thụ, sản phẩm công nghệ cao và đảm bảo ATVSTP.
Theo số liệu báo cáo, hiện nay số lượng người lao động trong khu vực nông nghiệp (NN) của tỉnh chiếm khoảng 70% tổng số lao động toàn tỉnh. Mỗi năm, tỉnh đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho khoảng 16.000 lao động. Như vậy có thể thấy nhu cầu đào tạo nghề NN cho lao động nông thôn là rất lớn. Cùng với áp lực về số lượng, công tác đào tạo nghề NN cho LĐNT cũng đang đứng trước nhiều thách thức để nâng cao hiệu quả, từ đó tiếp thêm động lực cho quá trình tái cơ cấu ngành NN gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, kết quả thống kê trong 2 năm (2016-2017) cho thấy, số LĐNT được hỗ trợ đào tạo nghề NN vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra: 3.337 người, đạt 71,30% so với kế hoạch giao. Riêng năm 2017, ngành NN&PTNT hỗ trợ đào tạo được 1.694 người, chỉ đạt 44,11% so với kế hoạch chỉ tiêu giao là 3.840 người.
Việc đào tạo các nghề phi nông nghiệp cũng có kết quả tương tự. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH: Trong 2 năm (2016-2017) thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo theo các trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 7.086 lao động, chỉ đạt khoảng 44,3% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, năm 2017 đã đào tạo 3.486 lao động (đạt 43,6% kế hoạch), gồm 1.792 lao động được đào tạo nghề NN (chiếm 51,4%) và 1.694 lao động được đào tạo nghề phi NN (chiếm 48,6%). Trong khi đó, mục tiêu đề ra đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2017-2020 là bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.000-9.500 LĐNT.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, công tác đào tạo nghề NN cho LĐNT trong 2 năm gần đây tuy không đạt kế hoạch về số lượng nhưng bù lại các cơ sở đào tạo nghề đang đi đúng hướng để đạt được giá trị cốt lõi nhất là chất lượng đào tạo. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Sở như Trung tâm Khuyến nông, Chi cục TT&BVTV, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản... đều có đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo nghề NN cho LĐNT đảm bảo trình độ chuyên môn, đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư giúp các đơn vị này đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo. Đặc biệt, với phương pháp đào tạo lấy thực hành là chính và gắn với mô hình cụ thể, hiệu quả của các lớp đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt, tác động trực tiếp tới hoạt động tổ chức sản xuất ở địa phương.
Kết quả khảo sát tại Chi cục TT&BVTV – một trong những cơ sở đào tạo nghề NN uy tín của Sở NN&PTNT – cho thấy: Trong 2 năm (2016-2017), Chi cục đã tuyển sinh 11 lớp với 271 học viên. Trong đó, gần 100% học viên có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Nhiều học viên đã trở thành nông dân nòng cốt trong việc tổ chức lại sản xuất (tổ chức hoạt động theo nhóm nông dân, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã) và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân khác.
Còn kết quả khảo sát đối với 3.337 LĐNT được Sở NN&PTNT hỗ trợ đào tạo nghề NN trong 2 năm (2016-2017) cũng đầy sức thuyết phục: Sau khi được đào tạo, có 3.031 người (chiếm 90,83%) đã tìm được việc làm mới (được tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng) hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ (bằng cách tổ chức lại sản xuất theo hướng tạo liên kết bao tiêu sản phẩm, thành lập doanh nghiệp/tổ hợp tác/hợp tác xã và hoạt động hiệu quả...).