Theo đó, mục đích nhằm quán triệt nội dung Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 21/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường Phổ thông Dân tộc nội trú nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Từng bước tăng tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số được chăm sóc, giáo dục trong trường Phổ thông Dân tộc nội trú; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh dân tộc thiểu số, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII.
Mục tiêu đến năm 2025: 90% các trường Phổ thông Dân tộc nội trú được công nhận là trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% các trường Phổ thông Dân tộc nội trú có Câu lạc bộ tiếng Anh và tổ chức hoạt động hiệu quả; 100% các trường có Trang thông tin điện tử, tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Phấn đấu đến năm 2025, các trường Phổ thông Dân tộc nội trú có học sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia cùng với trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ. Đảm bảo duy trì ổn định và từng bước tăng dần tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số được học trong các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, phấn đấu đạt 10% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và năng lực cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, tiến tới 100% giáo viên các trường Phổ thông Dân tộc nội trú đạt chuẩn về trình độ đào tạo và kỹ năng, phương pháp sư phạm. Bố trí đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho các trường để thực hiện tốt nhiệm vụ vụ giảng dạy, giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng. Bổ sung nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền về nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Thực hiện tốt chính sách đối với người dạy và người học
Kinh phí thực hiện do ngân sách Nhà nước đảm bảo từ nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục hàng năm theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách; các nguồn kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội; nguồn kinh phí cân đối ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác./.