DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Nam Sơn đổi thay nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

03/06/2011 00:00
Đối với người dân vùng cao Nam Sơn (Tân Lạc), việc hình thành, phát triển vùng cây, con hàng hóa giờ không còn xa lạ nữa. Những cây trồng đặc sản của núi rừng như quýt bản địa, chè shan tuyết, su su đã và đang góp sức tạo nên những đổi thay nơi miền đất còn nhiều khó nhọc này.
Mô hình trồng su su lấy ngọn giúp nhiều hộ dân xã Nam Sơn cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Phát huy nội lực, trên cơ sở điều kiện, tiềm năng của địa phương, tìm hướng thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trong phát triển kinh tế được cấp ủy, chính quyền đặc biệt coi trọng. Cũng từ đây, nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được xây dựng, tổ chức thực hiện và quán triệt. Trông về dãy núi phía xa tỏa bóng những tán chè shan cổ thụ, ông Bùi Văn Truyền – Chủ tịch UBND xã vui mừng chia sẻ: Mấy năm gần đây, người dân trong xã có nhận thức chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ chỗ sản xuất nông nghiệp chậm phát triển, sản phẩm làm ra chỉ đủ dùng đến nay đã có sự giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền. Cũng không ngờ chỉ sau 10 năm mà vùng chè shan tuyết đã được bà con trong xã mở mang đáng kế. Từ chỗ trồng thí điểm mô hình theo dự án hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình 135, đến nay, cả xã có 80 hộ tham gia trồng với tổng diện tích 12 ha. Nhiều hộ trồng chè Shan tuyết với diện tích lớn như ông Bùi Văn Ngoạn, ông Bùi Văn Niệm ở xóm Xôm… Cùng với đó, vùng quýt bản địa ngày càng phát triển dần lên với 20 ha diện tích, khoảng 2/3 số hộ dân toàn xã trồng mới, chăm sóc, bảo vệ. Trong đó, có 5 ha quýt cho thu hoạch, không ít hộ trồng quýt cho thu nhập từ 10 đến trên 30 triệu đồng/năm trở lên như hộ bà Ngân Thị Quế ở xóm Tớn, ông Hà Văn Hưng ở xóm Bái…

Nhận thức về chuyển đổi của bà con trong xã còn được nâng lên với nhiều việc làm cụ thể. Trong lĩnh vực trồng trọt, từ chỗ trước đây độc canh cây lúa, trồng một vụ đến nay đã chuyển sang trồng 2 vụ lúa. Hầu hết diện tích ruộng thiếu nước bấp bênh được nông dân các xóm chuyển sang trồng cây màu (chủ yếu là trông ngô lai). Việc đưa các loại giống lúa, ngô mới có khả năng chịu hạn, có năng suất cao và chất lượng đảm bảo vào sản xuất thay thế giống cũ, năng xuất thấp được bà con tích cực phát huy. Cho đến nay, toàn xã đã thực hiện gieo trồng cả năm với tổng diện tích gần 400 ha, năng suất bình quân đạt gần 50 tạ/ha, đạt sản lượng trên 520 tấn/năm. Cây ngô trồng với diện tích 147 ha, năng suất 35 tạ - 40 tạ/ha, sản lượng trên 514 tấn/năm. Trên lĩnh vực chăn nuôi, bà con đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tăng nhanh tổng đàn lợn và đàn trâu, bò. Hiện nay, toàn xã có 1.200 con lợn, trên 1 vạn con gia cầm các loại, gần 800 con trâu, bò. Công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được chú trọng, không để xảy ra dịch bệnh trên đàm gia súc, gia cầm. Nhiều hộ dân ở các xóm Tớn, xóm Dồ tổ chức chăn nuôi lợn với quy mô hàng chục con/lứa, mỗi năm cho xuất chuồng 3 lứa. Những năm gần đây, xã còn sử dụng có hiệu quả các chương trình đầu tư của nhà nước xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất góp phần tạo đà cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lưu thông hàng hóa giữa miền ngược với miền xuôi.

Kiên trì đổi mới trong lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế, tích cực vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, Đảng bộ xã Nam Sơn nhiều năm liền được công nhận đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Hàng năm, xã đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 12%. Đời sống nhân dân trong xã từng bước được cải thiện, 75% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 98% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 20%.