DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Năm 2019: Ngành nông nghiệp sớm triển khai sản xuất vụ hè thu, vụ mùa, tạo điều kiện sản xuất vụ Đông, chủ động mở rộng diện tích gieo trồng

13/06/2019 00:00

Hiện nay, nhận định tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp: mưa bão, lũ lụt, tố lốc bất thường..., nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất cả năm, ngành NN&PTNT xác định cần tập trung khẩn trương thu hoạch lúa và cây màu vụ Chiêm xuân, triển khai sớm kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa tạo điều kiện sản xuất vụ Đông. Các địa phương chủ động mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, lựa chọn cơ cấu giống lúa hợp lý, hiệu quả; gieo trồng các giống đạt tiêu chuẩn xác nhận nguyên chủng, ngắn ngày, năng xuất cao, chất lượng tốt, phù hợp từng địa phương và có tính ổn định cao đưa vào sản xuất, không để đất trống, tập trung chăm sóc, thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trong chăn nuôi, Ngành NN&PTNT tập trung chỉ đạo chống bệnh DTLCP theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh nhằm khống chế và không để dịch bệnh lây lan

Trong lĩnh vực trồng trọt, phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 45 nghìn ha, trong đó cây lương thực có hạt 35,7 nghìn ha; Khoai lang 1,7 nghìn ha; Đậu tương 171 ha; Lạc 1,4 nghìn ha; Rau, củ quả các loại 4,3 nghìn ha... cây gia vị, dược liệu và cây hàng năm khác trên 1 nghìn ha. UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đồng ruộng, tiếp tục bảo vệ, chăm sóc lúa và hoa mầu; khẩn trương thu hoạch cây vụ xuân, giải phóng đất gieo trồng lúa mùa sớm, cây màu vụ hè thu để chủ động gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất; Xây dựng kế hoạch để chủ động cung ứng đủ số lượng, chủng loại và chất lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp... gieo trồng đúng thời vụ; Tăng cường chăm sóc, đầu tư thâm canh, phòng chống úng, lụt, sử dụng hợp lý nguồn nước tưới bảo đảm cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất và sản lượng cao; Tận dụng triệt để diện tích bưa bãi, đồi thấp để tăng diện tích gieo trồng ngô, các loại cây mầu, rau, đậu để tăng thu nhập; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh, phát hiện sớm để có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHKT trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi nhằm đưa các giống có năng suất, chất lượng cao, kỹ thuật mới vào sản xuất.

Trong chăn nuôi và thú y, tập trung cao độ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các loại dịch, bệnh trên đàn vật nuôi; phòng, chống bệnh dại theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh nhằm khống chế và dập tắt không để dịch bệnh lây lan. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm để bổ sung nguồn thực phẩm do ảnh hưởng bệnh DTLCP. Tăng cường công tác quản lý thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi tại các địa phương; thực hiện tốt công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, lưu thông gia súc, gia cầm; kiểm tra vệ sinh thú y, hoạt động các chốt kiểm dịch động vật. Tổ chức phun khử trùng tiêu độc đợt 3 và 4.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, nghiêm cấm việc đánh bắt thuỷ sản bằng chất nổ, hoá chất và xung điện nhất là vùng Hồ Hòa Bình; khai thác tốt diện tích mặt nước các hồ chứa thủy điện, đẩy mạnh nuôi cá lồng, bè trên sông và hồ lớn; triển khai Luật Thủy sản theo quy định. Chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật quản lý các loài thủy sản nuôi trong mùa mưa bão (đặc biệt khu vực nuôi cá vùng hạ lưu khi Thủy điện xả lũ).

Tập trung trồng và chăm sóc rừng, phấn đầu trồng thêm trên 3 nghìn ha rừng tập trung, độ che phủ rừng trên 51%. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra kết quả sản xuất, cung ứng lô cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn phục vụ trồng rừng; hoàn thành công tác thiết kế ngoại nghiệp. Phát triển mô hình kinh tế trang trại trồng rừng kết hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp... tạo ra sản phẩm đa dạng, đảm bảo lợi ích cho người lao động. Duy trì thực hiện tốt theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, quản lý bảo vệ rừng; kịp thời xử lý các vi phạm hành chính trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tập trung xử lý dứt điểm tình trạng xâm hại tài nguyên rừng. Kiểm tra, đôn đốc việc khai thác rừng và trồng lại rừng nguyên liệu. Triển khai quy hoạch 3 loại rừng và Luật lâm nghiệp theo quy định. Xây dựng đề cương rà soát đánh giá và đề xuất Chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng giống và kinh doanh gỗ lớn.

Tăng cường kiểm tra các công trình thuỷ lợi, đảm bảo an toàn cho các công trình; tích nước, điều tiết nước hợp lý đảm bảo đủ nước cung cấp cho lúa, cây mầu và sinh hoạt của nhân dân; duy trì chế độ kiểm tra đê thường xuyên và kiểm tra đột xuất đối với các tuyến đê cấp III, IV; tổ chức tốt việc thường trực phòng chống lũ bão, kịp thời xử lý thông tin theo thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kênh mương, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng đảm bảo thời gian, chất lượng; chủ động phòng, chống hạn; chủ động ứng phó thiên tai; quản lý chất lượng công trình theo quy định; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục và tiến độ thực hiện các dự án, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng đảm bảo thời gian, chất lượng.

Trong vụ Đông, phấn đấu gieo trồng trên 8 nghìn ha cây vụ đông, tập trung vào 1 số cây chủ yếu: ngô; khoai lang; đậu tương; lạc; cây rau đậu các loại. Khung thời vụ sản xuất vụ đông rất nghiêm ngặt, thời tiết thường diễn biến phức tạp nên cần khẩn trương gieo trồng đảm bảo thời vụ sản xuất vụ tiếp theo. Các địa phương cần mở rộng diện tích và đa dạng các loại cây trồng vụ đông, tăng thu nhập trên diện tích canh tác; tập trung chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể thời vụ gieo cấy trà lúa mùa sớm đảm bảo thu hoạch trong tháng 9 giải phóng đất để bố trí trồng cây vụ đông. Rà soát, xác định cụ thể từng loại đất để bố trí sản xuất vụ đông; đối với chân ruộng 2 vụ lúa có kế hoạch gieo cấy lúa mùa sớm, thu hoạch nhanh gọn để làm đất trồng cây vụ đông; đồng thời tận dụng các loại đất bưa bãi, đất đồi thấp, đất ven sông suối, vườn nhà... kết hợp trồng xen gối vụ, đa dạng cây trồng, mở rộng diện tích cây trồng có thời vụ dài như khoai tây, lạc, rau đậu nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Tăng cường công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh, chống dịch, tích cực dự trữ thức ăn phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò. Đôn đốc các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô; điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất./.