DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Một số điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08/12/2022 00:00
Hòa Bình là một trong 10 tỉnh trên phạm vi toàn quốc có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, dân số toàn tỉnh 87,1 vạn người. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 75% dân số, gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, còn lại là một số dân tộc thiểu số khác. Trong những năm qua, các tổ chức Đoàn, Hội trong vùng dân tộc thiểu số được củng cố, vai trò của đoàn viên, hội viên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội được phát huy hiệu quả; với nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú, sáng tạo, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; là nòng cốt trong các phong trào của Đoàn, Hội tại địa phương.
Hợp tác xã nông nghiệp Bản Dao – Thống Nhất là một trong những HTX trên địa bàn tỉnh đồng hành cùng người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với sản phẩm tinh dầu sả chanh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao            

Trong các phong trào đó, đã có nhiều chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân điển hình như: Đoàn Thanh niên xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi đã xây dựng được 10 công trình, phần việc thanh niên; phối hợp với Ủy ban MTTQ xã trao tặng 01 nhà đại đoàn kết, đồng thời sửa chữa và nâng cấp 1km đường giao thông nông thôn; tổ chức 19 đợt thu gom rác thải phát quang và vệ sinh các tuyến đường giao thông; tổ chức và tiếp nhận 04 đội thanh niên tình nguyên của các tổ chức về tình nguyện lao động, tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó và các hộ gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, với trên 200 ngày công lao động và 200 suất quà với tổng giá trị trên 85 triệu đồng.

Chi Hội Phụ nữ xóm Rậm, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn đã tích cực phát huy vai trò của phụ nữ, ra sức lao động sản xuất, phát triển kinh tế; nắm bắt lợi thế của địa phương, chị em hội viên đã có hướng sản xuất như trồng keo, nuôi ong rừng lấy mật, chăn nuôi, bò, gà thả vườn... tạo thu nhập cho hộ gia đình, mỗi năm thu nhập từ 50-60 triệu đồng và tạo việc làm cho chị em hội viên trong xóm.

Chi Hội Nông dân xóm Suối Thương, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc là chi hội nhiều năm đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Hội Nông dân xã, Ủy ban nhân dân xã, Hội Nông dân huyện khen thưởng trong các phong trào công tác hội; đã thành lập và duy trì các mô hình: bảo vệ môi trường, an ninh tự quản, dân vận khéo, dòng họ hiếu học; tuyên truyền vận động hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất và vận động hội viên có con em trong độ tuổi đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự, sẵn sàng lên đường nhập ngũ.

Bên cạnh những tập thể Đoàn, Hội điển hình tiêu biểu, các cá nhân đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những đóng góp không nhỏ trong tham gia hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Với tư duy đổi mới, ý chí vươn lên mạnh mẽ, tầm nhìn rộng mở, nhiều đoàn viên, hội viên người dân tộc thiểu số đã mạnh dạn khởi nghiệp, năng động sáng tạo, thi đua sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó đã truyền cảm hứng tới những người dân ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; khẳng định sự tự tin và nỗ lực của người dân tộc thiểu số trong khát vọng giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Điển hình như  đoàn viên Triệu Duyên Xuân, dân tộc Dao, Ủy viên BTV Đoàn xã, Bí thư Chi đoàn thôn Suối Thản, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi; là một cán bộ đoàn gương mẫu, năng nổ, nhiệt tình, luôn đi đầu trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; là tấm gương về sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình để cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương học tập và noi theo; Thanh niên Trịnh Thị Thanh Hòa, dân tộc Tày, viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đà Bắc, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp tỉnh; trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, đã đạt được một số giải thưởng như: giải triển vọng tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2020”; giải vàng 120 triệu tại cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh”; giải thưởng Lương Định Của. Có nhiều giải pháp, sáng kiến được công nhận, áp dụng: mô hình trồng Bơ mã Dưỡng xen dược liệu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cây dược liệu Sachi...Thanh niên Bùi Văn Tường, dân tộc Mường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp 0789, xóm Sung xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc: năm 2020 tập hợp các thanh niên cùng ý tưởng, thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất và kinh doanh giống cây trồng; năm 2022 quy mô vườn ươm mở rộng 1ha, với 2 triệu cây giống là các loại cây bản địa, cây lâm nghiệp, cây ăn quả; phát triển thêm 01 cửa hàng dịch vụ nông nghiệp tại xã Đông Lai và phát triển cây dược liệu quy mô 5ha tại xã Ngổ Luông. Năm 2021, đạt giải ba với đề tài “Bảo tồn và phát triển cây trám đen tại Hòa Bình” tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình”. Hội viên Quách Văn Thỏn, dân tộc Mường, trưởng xóm Nhụn, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn là hội viên gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của xóm; tuyên truyền, vận động 105 hộ dân của xóm về khu tái định cư để giao lại mặt bằng cho thi công công trình hồ chứa nước Cánh Tạng, đồng thời vận động hộ dân hiến đất cho công trình hồ chứa nước; vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công để làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới...

Ngoài những gương tập thể, cá nhân các Đoàn, Hội điển hình tiêu biểu. Những năm qua, có rất nhiều tập thể đã không ngừng cố gắng phấn đấu, vươn lên trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh như: Tập thể cán bộ và Nhân dân xã Quyết Chiến huyện Tân Lạc; Tập thể cán bộ và Nhân dân xóm Tiện, xã Thung Nai, huyện Cao Phong; Tập thể cán bộ và Nhân dân xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn.

Bên cạnh đó, đồng hành cùng người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội là những doanh nghiệp, hợp tác xã. Hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất; đồng thời góp phần khai thác, phát huy lợi thế, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thương mại, du lịch; tạo việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Điển hình như: Hợp tác xã nông nghiệp Bản Dao – Thống Nhất; Hợp tác xã chăn nuôi lợn đen Mường Pa, huyện Mai Châu; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Độc Lập, thành phố Hòa Bình; Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường Sơn Hà, huyện Kim Bôi; Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, huyện Mai Châu; Hợp tác xã chuối VIBA, huyện Lương Sơn; Công ty cổ phần giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình...Cùng với sự đóng góp của các tập thể doanh nghiệp, hợp tác xã, là những cá nhân, người đứng đầu các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhiều đóng góp vào sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ngoài ra, còn nhiều các tập thể, cá nhân các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, có nhiều hoạt động, đóng góp đối với sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh./.