Anh Bạch Công Bắc ở xóm Sáng – xã Cao Răm – huyện Lương sơn là một trong những hộ dân đầu tiên ở xã Cao Răm mạnh dạn cải tạo vườn tạp bỏ không, thay đổi thói quen canh tác cũ, mạnh mún, nhỏ lẻ để đi vào sản xuất nông nghiệp theo kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn. Hơn 200 gốc gấc được gia đình anh trồng từ đầu năm 2014. Sau gần 4 tháng trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ với sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, giờ đây vườn gấc đã phát triển tốt. Vườn gấc đã bắt đầu cho quả và sẽ cho thu hoạch vào tháng 9. Anh Bắc chia sẻ: trước đây anh chỉ trồng gấc để đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình, gia đình không giành nhiều thời gian chăm sóc mà để cây gấc phát triển tự nhiên. Việc thực hiện trồng gấc theo quy trình kỹ thuật với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đã làm vườn gấc của gia đình anh phát triển hơn rất nhiều. Số quả tăng 3 đến 4 lần so với trước đây.
Hiện nay, diện tích trồng gấc theo mô hình này tại xã Cao Răm huyện Lương sơn đã phát triển lên 7ha. Tại một số xã của huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Kỳ Sơn số diện tích trồng gấc đang ngày càng mở rộng. Để thay đổi thói quen canh tác vốn đã tồn tại lâu đời trong những người nông dân ở các vùng sâu, vùng xa là một điều không đơn giản. Vì vậy, làm cho người dân hiểu được những hiệu quả từ việc thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người dân về kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo sát và kịp thời hướng dẫn xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc cây là điều đã mang lại hiệu quả thực tế.
Đây là chương trình phát triển cây gấc lấy quả, triết xuất tinh dầu và chế biến các sản phẩm từ gấc mà công ty Cổ phần Đông Dương đang triển khai trên địa bàn tỉnh Hòa bình, với hình thức: công ty cấp giống miễn phí, hỗ trợ kỹ thuật từ lúc trồng đến khi thu hoạch, cho vay một phần vốn không tín lãi và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho người nông dân trong ít nhất 3 năm đầu. Cán bộ kỹ thuật của công ty đã trực tiếp hướng dẫn người nông dân trồng gấc từ khâu làm đất, ươm hạt, bón phân, làm giàn và chăm sóc cây gấc trong các giai đoạn phát triển của cây. Sự hỗ trợ sát sao về kỹ thuật này đã góp phần làm thay đổi thói quen canh tác cũ của người dân ở một số địa phương và tạo được sự chuyển dịch về cơ cấu cây trồng.
Đến nay, trên 100 ha gấc được triển khai tại 3 huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi với khoảng 500 hộ tham gia, có trên 70ha đã cho quả, với trên 20 quả/ gốc. Sản lượng năm đầu dự kiến từ 10 – 15 tấn/ha, gấp nhiều lần so với phương thức trồng cũ. Với mức chi phí cơ bản 40 triệu đồng/ha năm đầu và 20 triệu đồng/ha từ năm thứ 2 trở đi. Ngoài ra, người dân còn kết hợp trồng gừng trực tiếp dưới đất hoặc trồng trong bao dưới giàn gấc với sản lượng 25 – 50 tấn/ha. Từ năm thứ hai trở đi, khi sản lượng đã ổn định và chi phí đầu tư giảm, mô hình này có thể cho lợi nhuận từ 100 – 150 triệu/ha. Đây cũng là loại cây ít chịu ảnh hưởng của thời tiết.
Ông Bùi Huy Hùng - Tổng giám đốc công ty CP Đông Dương cho biết: Trước mắt, công ty sẽ mở rộng diện tích lên 200 – 300 ha tại những địa phương đang triển khai mô hình, mở rộng ra một số huyện như Yên Thủy, Lạc Thủy, Mai Châu. Dự kiến, trong 3 năm tới, công ty sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 2000 ha tại Hòa bình và 1 số vùng lân cận như Thái Nguyên, Phú Thọ.... Cùng với đó, công ty sẽ cố gắng tạo sự ổn định và tăng cường đầu ra cho sản phẩm để người nông dân yên tâm hơn với việc gắn bó lâu dài với cây gấc và có mức thu nhập khá.
Việc đưa các loại cây trồng hàng hóa mới như cây gấc vào sản xuất đang tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại tỉnh, thay đổi thói quen canh tác cũ của người dân. Sự gắn kết và đồng hành của doanh nghiệp với người nông dân trong việc tìm kiếm và sản xuất cây trồng chủ lực, hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, đầu tư vốn và đảm bảo đầu ra ổn định lâu dài cho người nông dân là xu hướng được khuyến khích. Hình thức kết hợp này cũng đang phát huy hiệu quả với mô hình trồng cam 50/50 hiện đang được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương trong tỉnh như: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy....Tỉnh Hòa Bình đang đưa ra nhiều cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho sự hợp tác này đạt được hiệu quả cao nhất, tiến tới hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu rộng lớn, một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, tiên tiến và giá trị kinh tế cao. Xa hơn, là sản xuất nông nghiệp gắn liền với công nghiệp chế biến với đầu ra đảm bảo cho nông sản Hòa Bình.