Là người đầu tiên “xông” vào trận chiến với căn bệnh thế kỷ, ông Cao Thế Kỷ, Bí thư Chi bộ xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình đã giúp đỡ và thắp lên ngọn lửa của niềm hi vọng sống cho những người nhiễm HIV.
Đảng viên phải nêu gương
Cách đây gần chục năm, cơn bão “ết” đã “hỏi thăm” đến cái xóm Đá Bạc nghèo khó quê ông Kỷ. Khi ấy, hàng chục thanh niên trong làng đi làm ăn xa đã mắc bệnh. Rồi từng người, từng người lặng lẽ ra đi để lại vợ và những đứa con thơ dại. Những năm đó, nghe có người bị bệnh AIDS thì nhiều người trong xóm kỳ thị. Trong khi những người nhiễm HIV đều không có nghề nghiệp ổn định, không có đất canh tác, không công ăn việc làm, không có vốn và không có sức khỏe. Hầu hết những người có H. ở Đá Bạc sống bằng nghề nông. Mỗi hộ chỉ được chừng vài trăm mét ruộng để sinh sống. Ông Kỷ nghĩ, mình là một đảng viên, mình còn khỏe và may mắn hơn nhiều người khác. Với trách nhiệm là một Bí thư Chi bộ, mình phải giúp đỡ những người có H. có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, trong các buổi họp chi bộ ông luôn đề xuất việc giúp đỡ những người có H. Và ông lặn lội ra tìm những cơ sở làm mây tre đan ở Hà Tây (cũ) để nhận việc mang về nhà làm.
Những năm đó, nghề mây tre đan phát triển. Các công ty xuất nhập khẩu thuê những lao động nhàn rỗi lấy mây, song sơ chế rồi đan thành sản phẩm. Họ có thể tự đến công ty xuất khẩu nhận về nhà làm. Sau khi được thành phẩm thì giao lại hàng. Để giúp đỡ những người có H. ông đến tận nhà từng người vận động họ đến học nghề do ông dạy. Thấy ông đi vận động họ học nghề, nhiều người bảo: không biết nghề này có ra cơm cháo gì được không? Mà họ yếu thế thì học làm sao được. Nghề này khó làm thế thì học làm sao được và chẳng biết có việc ổn định hay không? Ngoài những băn khoăn trên, nhiều người mặc cảm không muốn học nghề. Họ coi việc ông làm là một chuyện lạ, là một người không bình thường. Nhưng không nản chí, ông dạy nghề cho con cháu. Mọi người làm và có thu nhập trên 20 nghìn đồng/ngày và những người có H. đã tin. Từ 1-2 người làm rồi cơ sở của ông ngày càng đông người làm. Có lúc lên đến 16 người đến học và làm nghề.
Mong có thêm nhiều hi vọng cho người có H.
Chúng tôi đến thăm chị Bùi Thị H, 25 tuổi, là một bệnh nhân bị nhiễm HIV từ chồng ở xóm Đá Bạc. Chị tâm sự: Mấy năm trước em cũng được bác Kỷ dạy nghề mây tre đan và tạo việc làm ngay tại nhà. Với bọn em là người bị bệnh, có sức khỏe yếu, không thể làm công việc nặng nhọc được. Đây là công việc phù hợp. Thời gian gần đây, bác Kỷ lại tạo điều kiện dạy nghề đan rút nhựa. Tuy việc không đều nhưng mỗi tháng thu nhập cũng được 600-700 nghìn đồng. Với em nguồn thu nhập như thế cũng tạm đủ trang trải cho hai mẹ con qua ngày. Bác Kỷ cũng đã giúp nhiều người có H. ở đây. Nhờ có nghề mà nhiều người có thêm thu nhập nuôi con cái.
Nhà chị Nguyễn Thị Th ở cuối xóm Đá Bạc. Đất nhà chị chỉ đủ chỗ ở. Chồng chị vừa mất vì căn bệnh AIDS chưa đầy tháng. Chị bảo ngày trước cả nhà trông vào hơn 400 m2 ruộng lúa. Ngày rảnh rỗi anh đi làm. Khi biết bệnh anh ở nhà rồi cùng chị đi mua sấu non. Công việc này như đánh bạc với trời. Năm nào được mùa thì được ăn. Còn không thì chịu thua lỗ. Khi biết bác Kỷ dạy nghề và tạo việc làm tại nhà thì chị theo học. Công việc này mỗi tháng chị cũng kiếm thêm được cho gia đình 700-800 nghìn đồng. Anh mất để lại cho chị hai đứa con nhỏ dại. Chị bảo: “Vài bữa nữa cho tinh thần ổn định thì em cũng học nhận đan rút nhựa của bác Kỷ”.
Ông Kỷ cho biết, hàng xuất khẩu ngày càng ít. Mỗi tuần ông Kỷ chỉ nhận được khoảng 200 mảnh ghế, hoặc bàn nhựa. Tiền công tùy từng loại: 3 nghìn, 9 nghìn, 12 nghìn đ/cái. Làm xong lại mang ra giao lại cho công ty. Giờ đây chỉ có 3 người làm. Nhiều hôm ông phải dậy từ 3 giờ sáng để “giành giật” với những bạn hàng khác để tạo việc làm cho những người bị nhiễm HIV. Xóm Đá Bạc còn 19 người nhiễm HIV. 19 con người cần một công việc, có một cái nghề để làm như bao con người bình thường khác. Nhưng với họ cái khác là họ không có sức khỏe. Họ rất cần một công việc hợp với sức khỏe của mình. Ông Kỷ bảo thỉnh thoảng lại thấy có người đi qua nhà hỏi: Bác Kỷ ơi, có hàng làm không? Ông lại ứa nước mắt khi trả lời: Không. Ông luôn trăn trở rằng dù cố gắng đến đâu thì ông cũng chưa thể giúp được hết những người bị