Thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, phòng, chống đuối nước ở trẻ em nói riêng được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện đạt kết quả. Tuy nhiên, số lượng các vụ tai nạn đuối nước vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Theo số liệu thống kê, 7 tháng đầu năm 2024 xảy ra 12 vụ làm 17 trẻ tử vong (trong đó: huyện Lạc Sơn xảy ra 04 vụ, 07 trẻ; huyện Kim Bôi xảy ra 04 vụ, 05 trẻ; huyện Yên Thuỷ 02 vụ, 03 trẻ; huyện Đà Bắc 01 vụ, 01 trẻ; huyện Lương Sơn 01 vụ, 01 trẻ). Nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong chỉ đạo công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn quản lý; việc tổ chức dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống đuối nước trẻ em còn hạn chế; gia đình, người chăm sóc trẻ chưa chủ động quản lý, giám sát trẻ em, nhất là trong dịp hè và mùa mưa lũ.
Nhằm bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em, kịp thời phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Công điện số 398/CĐ- TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 09/9/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030;
Xây dựng kế hoạch, có giải pháp đồng bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em, đặc biệt tổ chức tuyên truyền cao điểm trong dịp hè và mùa mưa lũ;
Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị đuối nước; theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Huy động sự tham gia của các tổ chức hội, đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo các khu vực có nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em tại các chương trình, Kế hoạch liên ngành số 43/KHLN-LĐTBXH-GTVT-CA-VHTTDL-GDĐT-NN&PTNT-TĐTN-HLHPN-HND-CTĐ ngày 01/6/2023 giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân và Hội Chữ thập đỏ tỉnh về phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023-2030 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Ủy ban nhân dân tỉnh;
Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp; cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cho trẻ em. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên, các bậc phụ huynh và học sinh trong việc phòng, chống đuối nước cho học sinh; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giáo dục học sinh nhằm bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước; tuyên truyền, vận động gia đình đưa con em đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước;
Xây dựng các mô hình “Trường học an toàn”, “Mùa hè an toàn” để phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Tăng cường giáo dục thể chất, đảm bảo 100% trường học triển khai các hoạt động ngoại khóa về kỹ năng sống, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối nước tại trường học; 100% trường học tổ chức cho học sinh ký cam kết không tự ý đi bơi, đi tắm ở sông, suối, ao, hồ, đập khi không có người lớn đi cùng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 theo Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030; Hàng năm, xây dựng Kế hoạch và tổ chức tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trẻ em (vào tháng 6 hằng năm);
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Kế hoạch bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước. Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn việc xây dựng, bảo dưỡng hệ thống bể bơi tại các địa phương và khuyến khích các cơ sở dịch vụ thể thao, du lịch có bể bơi để hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống hồ chứa nước, đập thủy lợi, kênh mương trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đang quản lý các ao, hồ, đập,...tiến hành rào chắn theo quy định và lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm để phòng, chống tai nạn đuối nước.
Đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: Chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; phối hợp với các ngành chức năng trong công tác truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ và các bà mẹ có con ở độ tuổi trẻ em tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em. Lồng ghép nội dung phòng, chống đuối nước trẻ em vào hoạt động “Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Đề nghị Hội Nông dân tỉnh: Đưa nội dung phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống đuối nước vào nội dung phổ biến, sinh hoạt định kỳ tại các chi hội. Triển khai thí điểm mô hình “Chi hội phòng, chống đuối nước trẻ em”; “Tổ Hội phòng chống đuối nước trẻ em”; phối hợp xây dựng, nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Vận động hội viên biết bơi tham gia dạy bơi miễn phí cho trẻ em.
Đề nghị Tỉnh đoàn thanh niên: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Đoàn các cấp thực hiện việc phối hợp với cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương tiếp nhận, quản lý, tổ chức hoạt động hè tại địa bàn dân cư, trong đó chú trọng các hoạt động rèn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống đuối nước; nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và cộng đồng về phòng, chống đuối nước
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh: Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, kịp thời đưa tin bài, các thông điệp tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tăng cường công tác chỉ đạo về phòng, chống đuối nước tại địa bàn. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị liên quan, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức rà soát, kiểm tra, kịp thời loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước và các nguy cơ mất an toàn khác cho trẻ em;
Rà soát, làm rào chắn, biển cảnh báo các địa điểm (hố nước, hồ, ao, sông, suối, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước...) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước để người dân biết phòng, tránh;
Tăng cường các hoạt động truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư; trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở;
Bố trí ngân sách hằng năm của địa phương theo phân cấp để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đồng thời huy động các nguồn lực trong cộng đồng để xây dựng các điểm, khu vui chơi, phát triển hệ thống bể bơi để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các địa bàn có nhiều sông, suối, hồ đập, địa bàn đã xảy ra đuối nước trẻ em;
Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã, phường, thị trấn trong việc quản lý trẻ em nếu để xảy ra trường hợp trẻ em bị tử vong trên địa bàn do đuối nước;
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức, thực hiện./.