DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Mai Châu: Tập hợp hội viên phụ nữ tham gia xây dựng địa phương vững mạnh

02/08/2016 00:00
Mai Châu là huyện khó khăn của tỉnh, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Huyện có 23 cơ sở hội với hơn 11.000 hội viên. Kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, trình độ nhận thức của nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng còn nhiều bất cập. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-ĐCT, ngày 12/10/2015 của Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về “Tăng cường tập hợp và quản lý hội viên trong tình hình hiện nay”, BTV Hội PHPN huyện đã tổ chức triển khai nhiều biện pháp tập hợp, thu hút hội viên, giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế.
Đội văn nghệ của chị em phụ nữ huyện Mai Châu biểu diễn phục vụ khách du lịch góp phần phát triển dịch vụ, du lịch cộng đồng

Hội đã triển khai chương trình đến 23 cơ sở hội, hướng dẫn cơ sở rà soát, khảo sát điều kiện sinh sống của phụ nữ trên địa bàn và nắm tình hình phụ nữ chưa tham gia sinh hoạt hội, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và làm công tác tuyên tuyền, vận động, giúp chị em phụ nữ thấy rõ những quyền lợi thiết thực khi tham gia sinh hoạt, như hưởng lợi từ các chương trình dự án được vay vốn sản xuất của ngân hàng CSXH, ngân hàng NN&PTNT theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; được hội giúp đỡ, động viên, chia sẻ, thăm hỏi khi có việc vui, buồn, ốm đau hoạn nạn, được đi học hỏi tham quan thực tế…6 tháng đầu năm 2016 đã thành lập được một số mô hình như: CLB tiền hôn nhân, CLB Phụ nữ cao tuổi ở xã Bao La, CLB nữ trí thức, nữ tiểu thương ở thị trấn Mai Châu. Kết quả, thu hút 974 phụ nữ vào tham gia sinh hoạt hội, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 11.655, đạt 70,83%. Từ nay đến cuối năm 2016, hội tiếp tục triển khai để hoàn thành chỉ tiêu Đại hội đề ra.

Bên cạnh việc phát triển hội viên, hội còn phát động nhiều phong trào thi đua với các hình thức đa dạng và đạt kết quả cao. Các chi hội đã đề xuất với cấp ủy tận dụng quỹ đất đai sẵn có của địa phương để làm trồng ngô, trồng luồng, cụ thể ở các xã: Pù Bin, Noong Luông, Hang Kia, Pà Cò, Thung Khe, Ba Khan, Chiềng Châu, Bao La. Hằng năm, sau mỗi vụ thu hoạch, hội bán sản phẩm để làm quỹ hoạt động của hội. Bình quân mỗi vụ thu được 15 – 20 triệu đồng. Đến mùa cấy làm cỏ, chị em phụ nữ còn giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, gia đình có người ốm đau, hoạn nạn. Chi hội xóm Xà Lòng, xã Pù Bin nhận làm công cho các gia đình có điều kiện kinh tế khá để lấy tiền mua bò về cho hội viên nuôi. Ban đầu là một con, sau phát triển dần lên thành 5 con. Riêng ở xóm Dân Tiến, xã Bao La, thành lập tổ từ 5 – 7 gia đình, mua lợn giống về nuôi, cuối năm thịt để các gia đình trong tổ ăn tết. Nhờ hỗ trợ lẫn nhau mà nhà nhà đều có tết. Quỹ hoạt động của hội còn cho các hội viên vay để phát triển kinh tế, thăm hội viên lúc ốm đau, đi tham quan học tập kinh nghiệm, thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đặt mua báo chi hội…Đặc biệt, từ nguồn quỹ này, chi hội trích ra từ 10 – 20% để trả thù lao cho cán bộ chi hội. Mặc dù ít ỏi nhưng cũng phần nào động viên đồng thời tăng thêm trách nhiệm cho cán bộ. Các làm này được đánh giá cao và đang được nhân rộng trên toàn huyện.

Ngoài ra, hoạt động của tổ liên gia tự quản được các cấp, các ngành đánh giá cao. Năm 2005, trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, tệ nạn xã hội, trộm cắp tài sản ở một số khu dân cư trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, Ban TT Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Công an huyện Mai Châu tham mưu cho Huyện ủy thành lập mô hình điểm ở xóm Mỏ, xã Chiềng Châu; xóm Lầu, xã Mai Hạ. Đến nay, đã nhân rộng 138/138 xóm bản trong toàn huyện với 745 tổ. Tổ liên gia tự quản được thành lập theo từng nhóm, tuyến, hộ gia đình trong xóm, bản, tiểu khu, tổ chức và hoạt động theo hình thức: nhân dân tự nguyện, tự giác, tự phòng, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động và nhân dân tự hưởng thụ về kết quả tự quản, với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho cuộc sống yên bình của người dân”. Tổ liên gia tự quản trở thành cầu nối giữa chi bộ, trưởng xóm, ban công tác mặt trận với các hộ gia đình, góp phần đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, cuộc vận động của MTTQ các cấp đến với mọi người dân. Thông qua đó giúp đỡ, động viên các hộ gia đình, phát huy truyền thống đoàn kết, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, phát hiện ngăn chặn, tố giác tội phạm, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội…Hội phụ nữ trong tổ liên gia thường xuyên giám sát, phát hiện những vấn đề bất cập trong cuộc sống trong gia đình thành viên, từ đó gặp gỡ, trao đổi tim giải pháp giúp đỡ để khắc phục. Phụ nữ đã cho thấy vai trò tích cực, quan trọng trong hoạt động của các tổ liên gia.