DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Mai Châu chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

18/10/2022 00:00
Những năm qua huyện Mai Châu đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện xác định phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội của địa phương; Phát triển dựa trên sự phù hợp của địa phương theo từng giai đoạn, khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Nông dân Mai Châu canh tác dưa hấu trên diện tích đất có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp

Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng kế hoạch về thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn huyện Mai Châu. Mục tiêu đến năm 2025: Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, rau chất lượng cao tại xã Thành Sơn, Đồng Tân, Mai Hịch, Xăm Khòe, Bao La. Xây dựng vùng lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại các xã Vạn Mai, Mai Hạ, Chiềng Châu, Thị trấn Mai Châu, Mai Hịch, Tòng Đậu. Xây dựng chuỗi giá trị đối với các sản phẩm tiềm năng của huyện như: Ngô nếp, khoai sọ, tỏi tía, vịt cổ xanh, lợn đen, gà đen H’Mông, cá. Xây dựng mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Chuyển đổi từ 50 – 70ha diện tích lúa 1 vụ kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây hàng năm khác, cây làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc; cây hoa, cây cảnh có giá trị kết hợp phục vụ du lịch sinh thái.

Hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác và bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm đã được cấp chứng nhận VietGap, OCOP, hữu cơ, chứng nhận tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Xây dựng từ 2 - 3 mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trên đất màu. Trồng cỏ thâm canh và phát triển chăn nuôi tập trung đại gia súc tại các xã: Cun Pheo, Bao La, Xăm Khòe, Pà Cò, Nà Phòn, Thành Sơn, Sơn Thủy, Tân Thành. Thành lập thêm các HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Đến năm 2025 có: 11/15 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới; 4/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3/15 xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Đối với 04 xã còn lại. Phấn đấu mỗi xã đạt từ 1 – 2 tiêu chí trở lên. Hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu từ 2 – 3 sản phẩm. Hỗ trợ giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đã được chứng nhận từ 5 – 7 sản phẩm.

Trong đó sẽ tập trung thực hiện các chính sách như: Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các chính sách hỗ trợ thuộc các chương trình mục tiêu; chương trình Hỗ trợ đất trồng lúa; Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Hỗ trợ thực hiện phát triển sản xuất các cây trồng chủ lực, phát triển đàn vật nuôi, công tác Dồn điền đổi thửa…Lồng ghép, huy động các nguồn hỗ trợ từ các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp,...đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với nguồn lực tại chỗ.

Huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực. Phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh lương thực đồng thời rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đặc biệt quy hoạch phát triển sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Mở rộng diện tích canh tác lúa chất lượng cao và lúa hữu cơ; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn (dược liệu, cỏ, ngô sinh khối, cây hoa, cây cảnh có giá trị kết hợp phục vụ du lịch sinh thái…). Tiếp tục cải tạo vườn tạp; phát triển các giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung an toàn sinh học, đẩy mạnh cải thiện chăn nuôi nông hộ. Hình thành khu, vùng chăn nuôi tập trung, khép kín, xa khu dân cư, liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại. Thực hiện chăn nuôi công nghiệp an toàn sinh học, chăn nuôi nông hộ thân thiện với môi trường; phát triển vật nuôi bản địa (lợn đen, vịt cổ xanh, gà đồi...) theo hướng hàng hóa. Giữ ổn định diện tích nuôi thủy sản hàng năm đạt 75,22 ha, sản lượng 780 tấn, tập trung nuôi cá nước ngọt ở các xã có lợi thế. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt vùng nuôi tập trung, đảm bảo đủ điều kiện nuôi thâm canh theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững và khả năng cạnh tranh cao. Tập trung phát triển đối tượng nuôi chủ lực, phát triển các vùng nuôi cá đặc sản ở các xã có điều kiện lợi thế về nguồn nước, bảo vệ môi trường. Khuyến khích các cơ sở ươm con giống đầu tư cơ sở, trang thiết bị hoặc liên kết, chủ động sản xuất, cung ứng giống đảm bảo chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu người nuôi. Phát triển lâm nghiệp theo hướng giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng, liên kết với các cơ sở chế biến nhằm gia tăng giá trị từ rừng.

Khôi phục, phát triển các nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái, dân tộc H’Mông, nghề rèn chế biến công cụ phục vụ sản xuất của dân tộc H’Mông, nghề nấu rượu (rượu Mai Hạ), chú trọng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh sản xuất hàng thủ công.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và OCOP. Phấn đấu đến năm 2025 có 11/15 xã đạt nông thôn mới; 4/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3/15 xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu; đối với 04 xã còn lại phấn đấu mỗi xã đạt từ 1 – 2 tiêu chí trở lên. Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, chuẩn hóa 3-5 sản phẩm, xây dựng các điểm trung bày, quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tập huấn đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử... Triển khai hiệu quả các giải pháp về khoa học công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường; chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng; liên doanh, liên kết và hợp tác để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và quảng bá và xúc tiến thương mại./.