DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Lưu giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở xã Chiềng Châu

15/12/2016 00:00
Chị Vì Thị Oanh-Phó chủ nhiệm hợp tác xã Dệt thổ cẩm xã Chiềng Châu-huyện Mai Châu cho biết: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu đã có từ lâu đời, trước đây sản phẩm này chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp. Chị em phụ nữ chủ yếu dệt để phục vụ sinh hoạt cho gia đình và bản thân. Ngày nay ngành du lịch phát triển, nhu cầu tiêu dùng, hàng thổ cẩm đã trở thành đòn bẩy để đồng bào dân tộc đẩy mạnh sản xuất, sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm đã có mặt trên thị trường và trở thành mặt hàng ưa chuộng của khách du lịch trên thị trường. Kế thừa và phát huy những tinh túy mà nghề dệt thổ cẩm của ông bà để lại, kết hợp với sự sáng tạo tinh tế, đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm mới đặc trưng, vừa mang nét văn hóa truyền thống của dân tộc vừa mang tính hiện đại ngày càng đáp ứng nhu cầu khách du lịch và thị trường.
Lưu giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở xã Chiềng Châu

Nhằm khôi phục lại nghề dệt truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu, được sự quan tâm hỗ trợ của Dự án Jica Nhật Bản với mục tiêu “Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn Hòa Bình”. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình  đã khảo sát và lựa chọn xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu làm mô hình điểm đầu tư, hỗ trợ cho người dân nơi đây phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp giữ gìn bản sắc dân tộc với phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dự án được thực hiện trong 3 năm, từ tháng 6/2009-2011. Năm 2009 Hợp tac xã dệt thổ cẩm xã Chiềng Châu được thành lập gồm 33 xã viên. Ban chủ nhiệm gồm 3 thành viên, là những chị em hội viên phụ nữ trong toàn xã. Trong đó chị Vì Thị Oanh giữ chức vụ phó chủ nhiệm của hợp tác xã. Bản thân chị Oanh đã cùng với chị em trong ban chủ nhiệm hợp tác xã cố gắng phấn đấu vươn lên, tận dụng lợi thế của địa phương đó là xã có điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, là nơi thường xuyên đón tiếp du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch nên đã sản xuất ra rất nhiều sản phẩm từ hàng thổ cẩm của dân tộc mình để trưng bày, giới thiệu và quảng bá du khách trong và ngoài nước.

Được sự quan tâm của Dự án và các cấp, các ngành trong huyện, trong tỉnh, chị Oanh đã trực tiếp tham gia các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất, sản phẩm mới và kỹ thuật nhuộm màu tự nhiên, hoạt động Marketing tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại tổ chức ở các tỉnh thành trên mọi miền tỏ quốc, thông qua đó tạo điều kiện để nắm bắt thị trường, xây dựng lôgô biểu tượng cho Hợp tác xã, đồng thời là người trực tiếp giao dịch, ký kết các hợp đồng cung cấp hàng, tìm được nơi bao tiêu sản phẩm ổn định cho hợp tác xã, trực tiếp tính toán lập kế hoạch đầu tư vốn mua nguyên liệu về cho chị em dệt, chị luôn tìm tòi, sáng tạo  ra nhiều mẫu mã chủng loại đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và sản phẩm làm ra đã có được nơi tiêu thụ ổn định, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Pháp và một số nước rất ưa chuộng sản phẩm của hợp tác xã Chiềng Châu-Mai Châu.

Các sản phẩm chính của bản thân chị Oanh và hợp tác xã sản xuất ra là những chiếc khăn dệt,khăn trải bàn, túi xách các loại, giầy dép, các loại bọc sổ, búp bê, thỏ, gấu bông,lót cốc, lót đĩa và các loại quà lưu niệm, đồng hồ treo tường….Doanh thu của Hợp tác xã: Năm 2011 đạt 504.570.000 đồng, đến năm 2015 đạt trên 2 tỷ đồng/ năm. Hiện nay Hợp tác xã đang sản xuất và kinh doanh theo đơn đặt hàng của khách hàng. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tại cửa hàng trưng bày sản phẩm ở Bản Lác, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đã Nẵng….đã tạo được việc làm ổn định cho hơn 30 lao động nữ, thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng -3.5 triệu  đồng/người/tháng, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.

Ngoài ra còn có trên 20 hội viên phụ nữ khác không phải là xã viên của hợp tác xã cũng thường xuyên nhận hàng về nhà sản xuất để tranh thủ những lúc nông nhàn làm thêm để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Với tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách”, hưởng ứng các cuộc vận động ủng hộ giúp đỡ, bản thân chị Oanh cùng hợp tác xã đã tổ chức giúp đỡ 30 xã viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi với số tiền là 105 triệu đồng. Đồng thời chị gặp gỡ, thăm hỏi,động viên tặng quà cho 07 hộ gia đình nghèo trong dịp tết nguyên đán với trị giá 300.000 đ/ xuất/hộ gia đình.

Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, bản thân chị Oanh cùng chị em xã viên trong hợp tác xã đã thành lập được đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn, giao lưu với các đội văn nghệ của các doanh nghiệp của các tỉnh bạn.

Từ  những cố gắng nỗ lực của chị em trong các hoạt động của hợp tác xã, đã giúp cho chị em tin tưởng, tinh thần thoải mái, hăng say lao động sản xuất đạt năng suất cao, ổn định thu nhập, góp phần cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững.

Nhưng để phát huy nghề dệt thổ cẩm được bền vững, ngày càng phát triển đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, Hợp tác xã cũng rất mong có sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho hợp tác xã về đất đai để trồng cây bông, sợi lanh, dâu tằm trên địa bàn huyện đảm bảo nguồn nguyên liệu tự nhiên cho hợp tác xã,  xây nhà xưởng để sản xuất , mua thêm máy móc cho hội viên, tìm  nơi tiêu thụ sản phẩm để hợp tác xã ổn định sản xuất được bền vững.