DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Lương Sơn: Xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản

23/11/2022 00:00
Năm 2022, việc kết nối, xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc biệt trên các sàn giao dịch điện tử của huyện Lương Sơn đạt được quan tâm chỉ đạo sát sao. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng nhằm giúp doanh nghiệp củng cố vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước, khai thác tiềm năng của thị trường trong nước và góp phần phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.
Tới nay, toàn huyện đã có trên 1,3 triệu con gia cầm; hình thức chăn nuôi gà thả vườn phát triển và đã có thương hiệu

Trong năm, huyện đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh lúa vụ Mùa và triển khai sản xuất vụ đông; cây màu đang giai đoạn thu hoạch; cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt trên 9.000 ha, tổng diện tích cây lâu năm ước 2.762 ha, trong đó: cây ăn quả 2.193 ha; cây lâu năm khác 568 ha. Diện tích cây ăn quả có múi duy trì ổn định, tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, các chủ vườn đã dần chuyển sang hướng sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn hữu cơ, VietGap,... tạo ra các sản phẩm OCOP của huyện. Chăn nuôi phát triển ổn định, tổng đàn trâu, bò 12.500 con; Đàn lợn trên 75 nghìn con, bằng 113% so cùng kỳ; Đàn dê 7,6 nghìn con, bằng 100,4% so cùng kỳ; Đàn gia cầm 1,3 triệu con, bằng 98,5% so cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản 397 ha đạt 110,3% so kế hoạch và bằng 107,7% so cùng kỳ. Tính đến ngày 25/10 toàn huyện đã trồng được 122.000 cây các loại đạt 119,6% kế hoạch, diện tích trồng tập trung được 741,32 ha/650 ha đạt 114% kế hoạch và bằng 80,4% so cùng kỳ; diện tích khoanh nuôi bảo vệ 2.262,4 ha, diện tích chăm sóc rừng trồng trên 10.000 ha, diện tích khai thác rừng trồng được 886,41ha, sản lượng ước đạt 54.000 m3.

Hiện toàn huyện có 16 Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất áp dụng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGap gồm các sản phẩm rau an toàn, cây ăn quả (cam, bưởi, chuối, nhãn, ổi), Sắn dây, mật ong, gà thả vườn,.. với diện tích sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGap trên 140 ha và 8 Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ gồm các sản phẩm rau hữu cơ, cây ăn quả hữu cơ, với diện tích sản xuất áp dụng theo quy trình sản xuất hữu cơ trên 140 ha.

Đến nay huyện Lương Sơn đã chuẩn hóa được 11 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3,4 sao cấp tỉnh đó là: Mật ong Lâm Sơn, Thịt dê núi Lương Sơn, Trứng vịt Hùng Tiến, Thịt gà Thuận Phát, Ổi Lê Mỹ Tân, Bưởi Diễn Mỹ Tân, Chuối Viba, Chè Mỹ Tân, Cao Xạ đen Tuyết Nhi, Cao Cà gai leo Tuyết Nhi. Dự kiến đến hết năm 2022 huyện Lương Sơn chuẩn hóa thêm 02 sản phẩm OCOP đưa số sản phẩm được chuẩn hóa OCOP của huyện lên 13 sản phẩm.

Trên địa bàn huyện đã có 01 nhãn hiệu tập thể rau hữu cơ, lặc lày Lương Sơn và 05 nhãn hiệu được chứng nhận gồm: Rau, củ, quả hữu cơ Lương Sơn, Dê núi Lương Sơn, Cam Lương Sơn, Bưởi Lương Sơn, Gà thả vườn Lương Sơn. Sau thời gian được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhiều tổ chức, cá nhân đã nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, chất lượng hàng hóa được nâng lên, vị thế và thương hiện nông sản Lương Sơn như: Rau hữu cơ Lương Sơn, Dê núi Lương Sơn,…

Tuy nhiên, việc kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch đòi hỏi phải có trình độ, kiến thức nhất định. Trong khi đó, hiện nay lao động trẻ có trình độ văn hóa nhất định dễ tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ thì thường ra thành phố làm việc, còn lại lao động nông thôn chủ yếu là người già và phụ nữ lớn tuổi. Chính vì vậy, việc tiếp thu các kiến thức, quy trình công nghệ mới còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, xu hướng biến động lớn nên người nông dân rất khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định nhất là trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa,; hỗ trợ quy hoạch khu sản xuất tập trung; hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất; hỗ trợ chứng nhận VietGap, Hữu cơ,... trong đó lựa chọn cây con chủ lực của địa phương.Tăng cường phối hợp với các đơn vị để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; phối hợp với các Tập đoàn viễn thông, sàn thương mại điện tử Postmart.vn, voso.vn, sendo.vn và các siêu thị, hệ thống bán lẻ lựa chọn các tổ chức, cá nhân có khả năng liên kết, cung cấp thực phẩm cho thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hướng dẫn thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ cho các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thương lái trong và ngoài huyện tiếp cận, khảo sát, thu mua nông sản của huyện. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản của huyện vào thị trường Hà Nội; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các điều kiện xuất khẩu như: tem, nhãn, bao bì theo quy định. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản của huyện. Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản của huyện tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài huyện.