DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Lương Sơn: Tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng bền vững

28/03/2024 16:31
Theo số liệu hiện trạng sử dụng đất năm 2022, huyện Lương Sơn có tổng diện tích tự nhiên là 36.482,72ha, trong đó: Đất nông nghiệp 29.724,03ha, chiếm 81,47% diện tích tự nhiên (đất sản xuất nông nghiệp 12.798,61 ha; đất sản xuất lâm nghiệp 16.306,98ha, đất thủy sản 398,5ha, đất nông nghiệp khác 219,94ha); đất phi nông nghiệp 5.910,2 ha, chiếm 16,2% diện tích tự nhiên.
Khai thác sản phẩm từ rừng trồng cho giá trị kinh tế khá trên địa bàn huyện Lương Sơn

Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, quản lý sử dụng đất, đất lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực, hoàn thành công tác quy hoạch đất nông nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2030. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, giá đất…đã được quan tâm giải quyết nên đã hạn chế được tình trạng đơn thư vượt cấp. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 53-CT/TU, ngày 06/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ rừng và làm giàu từ kinh tế rừng. Độ che phủ rừng ổn định ở mức trên 42%. Tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giảm; không có các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; các vụ cháy rừng được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hạn chế được thiệt hại.

Từ năm 2019 đến hết năm 2023, toàn huyện trồng được 3.985,4 ha rừng, bình quân mỗi năm toàn huyện trồng được trên 797,08 ha chủ yếu là rừng sản xuất, với loài cây Keo tai tượng thực sinh chiếm trên 90%, chất lượng rừng ngày một tăng lên do chất lượng giống được kiểm soát, 100% cây giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát theo phân cấp quản lý. Hiện tượng khai thác rừng non cũng giảm dần. Công tác nâng cao giá trị sản phẩm của rừng được các Doanh nghiệp chú trọng quan tâm đã thực hiện cấp chứng chỉ rừng của doanh nghiệp và liên kết với người dân; mô hình kinh doanh gỗ lớn dần được quan tâm phát triển.

Công tác bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác phối hợp giữa 3 lực lượng: Kiểm lâm, Quân sự và lực lượng Công an huyện thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp. Nắm bắt thông tin để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Hạn chế thấp nhất thiệt hại do phá rừng, cháy rừng gây ra. Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo phương án đã được phê duyệt; điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tập trung nguồn lực bảo vệ tốt các khu rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn huyện. Bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên 3.450,33 ha, đảm bảo duy trì độ che phủ rừng 42 %.  Diện tích rừng tự nhiên đã được các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn quan tâm, tích cực trong việc bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, nâng cao chất lượng rừng và các giá trị khác của rừng được nâng lên. Hàng năm diện tích rừng tự nhiên được hỗ trợ kinh phí cho công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng thông qua Dự án bảo vệ và phát triển rừng, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng phòng hộ.

Công tác xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện nghiêm. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2023, toàn huyện có 5 vụ vi phạm về Bảo vệ và phát triển rừng trong đó có 3 vụ phá rừng trái phép (chiếm 60%), 01 vụ khai thác rừng trái phép (chiếm 20%) và 01 vụ vận chuyển buôn bán lâm sản trái phép (chiếm 20%); các vụ vi phạm được xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm, có tính răn đe cao và không có khiếu nại xảy ra sau khi xử lý; không có vụ việc nổi cộm về phá rừng, cháy rừng, chống người thi hành công vụ, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 53-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững; Quán triệt đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Tiếp tục bảo vệ, giữ vững ổn định và cải thiện chất lượng rừng tự nhiên, tăng năng suất và chất lượng rừng trồng theo hướng sản xuất gỗ lớn, bền vững về môi trường để phấn đấu đạt và duy trì độ che phủ rừng toàn huyện đến năm 2025 đạt 42%. Tăng cường giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền các cấp, của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm lâm và các ngành có liên quan; thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Quản lý chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng; hạn chế tối đa việc chuyển đổi diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp sử dụng sang các mục đích khác; đề nghị thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án./.