Nhờ đã có đăng ký nhãn hiệu tập thể nên mấy năm trở lại đây các sản phẩm trên liên tục được mở rộng sản xuất, có chỗ đứng trên thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Tiêu biểu: Hiện nay diện tích cam Cao Phong khoảng 1.300 ha, cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha; Nhãn Sơn Thủy diện tích trên 120 ha, năng suất khoảng 15 tấn/ha cho thu nhập từ 250-350 triệu đồng/ha; Hạt dổi Lạc Sơn với trên 40 ha, giá thị trường khoảng 2.200.000 đồng/kg – 2.500.000 đồng/kg; Mía tím Hòa Bình trên 7.000ha, cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha…
Các sản phẩm nhãn hiệu tập thể ở tỉnh Hòa Bình đều gắn với việc khuếch trương sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định. Điều thuận lợi khi sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể sẽ dễ tiêu thụ hơn trên thị trường khi sản phẩm đã được “đặt tên”. Đồng thời với đó là gắn trách nhiệm của chủ sở hữu với sản phẩm. Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể phải có trách nhiệm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nhất định của các thành viên; đảm bảo cho sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra khi được bảo hộ.
Đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ mở ra các cơ hội thuận lợi về kinh doanh, thương mại mà còn góp phần to lớn ổn định và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng nhãn hiệu tập thể ở các địa phương trong tỉnh còn gặp một số vướng mắc. Do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoạt động quy mô vừa và nhỏ nên chưa chú trọng đến hoạt động bảo hộ quyền SHTT. Công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý còn gặp khó khăn trong công tác kiểm soát, in ấn và gắn tem nhãn cũng như phát triển, mở rộng thị trường do thiếu kinh phí, kinh nghiệm hoạt động và đồng bộ trong quản lý...Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về SHTT thông qua các lớp đào tạo tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên trong tổ chức tập thể, các tổ chức Hiệp hội, HTX, các cán bộ quản lý trong các cấp lãnh đạo ở địa phương có đăng ký nhãn hiệu tập thể nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Cùng với đó phải đặc biệt chú trọng hoạt động quản lý, khai thác và phát triển quyền SHTT đối với các nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ. Các tổ chức, tập thể, HTX, hội sở hữu nhãn hiệu tập thể cần tích cực tuyên truyền, vận động nông dân ở những vùng có sản phẩm đặc sản chủ động tham gia vào các HTX, hội để cùng nhau xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Chính quyền địa phương nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân về việc chọn giống cây trồng, nguyên liệu sản phẩm đảm bảo chất lượng và hương vị đặc trưng của sản phẩm.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và người tiêu dùng hiểu rõ giá trị của việc đăng ký nhãn hiệu tập thể là rất quan trọng, vừa nâng cao nhận thức nhằm bảo vệ thương hiệu vừa tạo uy tín và mở rộng thị trường cho nông sản của tỉnh đến được với thị trường rộng hơn, cả trong nước và nước ngoài./
|