DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Lĩnh vực trồng trọt sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10 của BTV Tỉnh ủy

25/06/2019 00:00
Ngay sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của BTV Tỉnh ủy về phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020 được ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, ban, ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn thể nhân dân về tầm quan trọng của việc phát huy thế mạnh các cây trồng có lợi thế của địa phương đối với sự phát triển sản xuất lĩnh vực trồng trọt, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình thăm gian hàng bán sản phẩm rau, quả của tỉnh tại hệ thống siêu thị Hà Nội

Tới nay, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu chính của Nghị quyết số 10 đặt ra

Để tiến tới sản xuất tập trung, quy mô lớn, các địa phương đã hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp HTX tham gia sản xuất, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cây ăn quả có múi, rau an toàn. Tính đến tháng 5/2019 đã có 210 HTX nông nghiệp được thành lập và chuyển đổi theo Luật HTX, 2.005 tổ hợp tác- nhóm liên kết sản xuất, 14 trang trại tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm cây ăn quả có múi, rau an toàn. Điển hình như các huyện: Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn. Việc hình thành các HTX, THT, nhóm liên kết đã góp phần giải quyết được sản phẩm tồn đọng, giảm hiện tượng thương lái ép giá, giúp khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm nổi tiếng mỗi vùng.

Thời gian qua, diện tích cây ăn quả có múi và rau an toàn liên tục được mở rộng, góp phần không nhỏ vào cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt, tốc độ tăng trưởng ngành trồng trọt năm 2014 đạt 1,9%, năm 2016 đạt 3,82%; năm 2018 giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt đạt 5,4%, chiếm trên 67% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; giá trị thu nhập/ha đất canh tác trồng trọt tăng lên đáng kể và đạt trên 120 triệu đồng/ha. Tính đến năm 2018, đối với nhóm cây trồng chủ lực như cây ăn quả có múi, giá trị thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm; cây rau đạt 270 triệu đồng/ha. Tuy nhiên đối với diện tích được chứng nhận ATTP hay VietGAP vẫn còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở các mô hình, chưa đạt mục tiêu NQ đề ra (mới đạt 220ha/ 2.000 ha chỉ tiêu NQ tới 2020).

Việc thực hiện NQ đã giúp đẩy mạnh khai thác, tận dụng tiềm năng lợi thế các sản phẩm trồng trọt thế mạnh của tỉnh như cam, bưởi, su su....các mục tiêu chính về diện tích cây có múi, kinh doanh rau đã vượt từ 25 - 100% so với NQ đề ra đến năm 2020. Cụ thể, tính tới tháng 5/2019, diện tích cây có múi đạt trên 102 nghìn ha, vượt 204% so với mục tiêu NQ đề ra tới năm 2020 là 5.000 ha; Diện tích cam đạt trên 5.300 ha, đạt 177% chỉ tiêu NQ; Diện tích kinh doanh rau các loại đạt trên 12.000 ha, đạt 124% NQ....

Hình thành được vùng cây ăn quả tập trung và vùng sản xuất rau hàng hóa

Tới nay, trên toàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung tại các huyện như Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy; đồng thời đưa các giống có năng suất, chất lượng cao (cam CS1, cam BH, cam V2, bưởi đỏ, bưởi diễn, bưởi da xanh, ...) vào sản xuất. Năm 2014 diện tích là 2.800 ha (1.200 ha kinh doanh, sản lượng 26.900 tấn) đến tháng 12/2015 diện tích là 4.695 ha (cam, quýt 2.706 ha; bưởi 1.875 ha, chanh 114 ha), vượt 156,5% so với mục tiêu Nghị quyết. Đến tháng 5/2019, diện tích đạt 10,2 nghìn ha (trong đó: cam quýt là 5.311 ha, bưởi các loại 4.443 ha, chanh 426 ha; trên 5.200 ha kinh doanh) vượt 5.200 ha (104%) so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020. Như vậy sau 5 năm triển khai Nghị quyết, diện tích cây có múi đã tăng 7.300 ha so với năm 2014, trong đó diện tích kinh doanh tăng 3.900 ha so với năm 2014.

Do triển khai nhiều giải pháp về phát triển sản xuất như quy hoạch vùng trồng; chuyển giao kỹ thuật tốt... nên năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày một đáp ứng với yêu cầu của thị trường; năng suất bình quân đạt trên 24 tạ/ha, thuộc nhóm cao nhất toàn quốc. Đồng thời, bộ giống cây ăn quả có múi khá đa dạng, đáp ứng yêu cầu rải vụ; trên cây cam, các giống chín sớm chiếm khoảng 25% diện tích (CS1, quýt Ôn Châu, cam BH/cam Marrs); chính vụ chiếm khoảng 45% diện tích (cam Xã Đoài, cam Vân Du, một số giống quýt, bưởi đỏ, bưởi da xanh); chín muộn chiếm 30% diện tích (cam đường Canh, cam V2). Với thời gian thu hoạch kéo dài 9 tháng trong năm là yếu tố giúp ổn định giá bán cho người sản xuất.

Tuy tăng nhanh về diện tích và sản lượng nhưng diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ... vẫn còn hạn chế, tính đến tháng 5 năm 2019 toàn tỉnh mới có 1.194,9 ha được chứng nhận, chiếm 11,9 % diện tích canh tác.

Đối với cây rau, diện tích gieo trồng trung bình hàng năm đạt 11.000 - 12.000 ha; năm 2018 diện tích rau toàn tỉnh đạt 12.440ha. Như vậy diện tích kinh doanh rau các loại đã đạt mục tiêu của Nghị quyết, bước đầu hình thành và ổn định các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng như: vùng sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; vùng sản xuất rau hữu cơ huyện Lương Sơn. Diện tích rau su su 120 ha tập trung chủ yếu ở huyện Tân Lạc và tỏi tía 70 ha tại Mai Châu, Tân Lạc, đạt 23,3 - 30% so với chỉ tiêu năm 2020 của Nghị quyết, đây cũng chính là những diện tích chuyên canh chủ yếu, còn lại là một số ít diện tích rau các loại khác (tại Lương Sơn và Yên Thủy).

Tính đến nay, toàn tỉnh có 10 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ,... với tổng diện tích canh tác là 72 ha; tương đương khoảng 220 ha gieo trồng, chiếm 1,83% diện tích rau toàn tỉnh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với liên kết sản xuất

Do thực hiện tốt việc liên kết sản xuất nên đã mở rộng được diện tích sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa, tập trung, được chứng nhận ATTP/VietGAP. Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi, cây rau, đặc biệt là sản phẩm rau hữu cơ, rau susu, tỏi tía đã được mở rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh khác, được người tiêu dùng ưa chuộng. UBND tỉnh đã ký văn bản hợp tác với UBND thành phố Hà Nội; đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn ký kết chương trình hợp tác xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với Hà Nội; Bên cạnh đó chỉ đạo các địa phương đôn đốc điều hành hoạt động của các HTX trong liên kết tiêu thụ sản phẩm với nông dân, qua đó giúp cho tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng tăng khá mạnh, đạt trên 30%, đặc biệt là đối với sản phẩm cây có múi, cơ bản đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện NQ số 10 của BTV Tỉnh ủy về phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh, đến nay các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết đã hoàn thành, các mục tiêu hiện đạt ở mức thấp cần được tiếp tục triển khai thực hiện khi xây dựng Nghị quyết mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Thời gian tới, tiếp tục duy trì ổn định diện tích cây ăn quả có múi và cây rau như thời điểm hiện tại; tăng diện tích cây trồng đạt chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ đến năm 2020 lên 6.000 ha (trong đó: cây ăn quả có múi (cam, bưởi) 4000 ha, rau các loại 2000 ha). Tối thiểu 30% diện tích sản xuất kinh doanh cây có múi và rau chuyên canh có cam kết hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; 40% diện tích sản xuất kinh doanh ra chuyên canh hoạt động theo nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị./.