DetailController

Tiềm năng du lịch

Lễ hội Chùa Tiên Hoà Bình

24/01/2024 16:30
Quần thể di tích Chùa Tiên, Lạc Thuỷ, Hoà Bình bao gồm hơn 20 điểm di tích với nhiều loại hình di tích lịch sử văn hoá, di tích thắng cảnh, di tích khảo cổ. Mỗi loại hình lại mang những giá trị văn hoá, lịch sử riêng biệt. Trong quần thể có di tích khảo cổ học Động Tiên được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hoá ngày 30/9/1989; quần thể Hang động khu vực Chùa Tiên được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2011. Đến nơi đây, du khách như được trở về với cội nguồn, được thả hồn với mây trời, sắc núi, được chiêm ngưỡng từng đàn cò trắng dập dờn trên cánh đồng bát ngát màu xanh; được du ngoạn nhiều điểm du lịch như: Đền Trình, Đền Mẫu, Động Thuỷ Long Cung, Thung lũng Tình yêu, Động Giải Oan, Suối Vàng, Suối Bạc, Động Cô Chín, Động Ông Hoàng Bảy, Chùa Châu Sơn, Động Tiên, Động Tam Toà, Đình Thượng, Đình Trung,…; thăm hệ sinh thái thực vật, được bơi thuyền trên hồ, đập Rập Bếch - Bai Côm,…. Quần thể di tích Chùa Tiên cũng là địa điểm gần với di tích lịch sử cách mạng Đồn điền Chi Nê và Nhà máy In tiền đầu tiên của chính quyền Cách mạng (chừng 5 km) - di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2007.

Quần thể khu di tích và danh thắng Chùa Tiên nằm cách Hà Nội chừng 80 km, cách trung tâm huyện Lạc Thuỷ, Hoà Bình 9 km. Quần thể này toạ lạc trong thung lũng của hai thôn Lão Nội và Lão Ngoại; xung quanh được che chắn bởi hai dãy núi trải dài như 2 con rồng khổng lồ đang muốn vươn mình tới trời xanh. Nơi đây vẫn giữ được những nét nguyên sơ hiếm có của một thung lũng giữa đại ngàn với những đồi núi xanh mướt, những động thạch nhũ kỳ ảo. Quần thể khu di tích này rất gần với quần thể di tích Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), cách nhau khoảng 5 km; là trục tuyến gắn kết giữa Chùa Hương (Hà Nội) với chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) nên tới nơi đây sẽ được thấy sự giao thoa văn hóa giữa hai vùng miền, giữa hai dân tộc: dân tộc Mường và dân tộc Kinh. Lễ hội Chùa Tiên được tổ chức hàng năm để giúp con cháu có dịp được bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên, các vị thần đã có công khai phá đất đai, mở mang xây dựng quê hương, hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn từ ngàn đời nay của dân tộc; để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cầu cho nhà nhà ấm no, người người hạnh phúc. Lễ hội Chùa Tiên được khai hội vào đầu xuân; chính hội tổ chức vào ngày mồng 4 Tết tại sân Chùa Tiên. Gọi là lễ hội Chùa Tiên, nhưng đây là lễ hội chung cho cả quần thể di tích khu vực này; bao gồm các di tích: Đền Mẫu, Chùa Tiên, Đền Trình, Đình Trung,… Từ xưa đến nay, cùng với Chùa Tiên, Đền Mẫu là địa điểm thu hút khách khá đông của quần thể di tích này. Sự linh thiêng huyền diệu của Mẫu Tổ Âu Cơ vẫn được truyền muôn phương. Thờ Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo, đó còn là bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. Lễ hội Chùa Tiên vốn có từ lâu đời, đến nay đã trở thành lễ hội nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đến với lễ hội Chùa Tiên, du khách sẽ được chứng kiến và tham gia vào lễ hội cổ truyền của dân tộc Mường với những bản sắc rất riêng. Đây là lễ hội lớn nhất của vùng đất Lạc Thuỷ. Lễ hội Chùa Tiên gồm 2 phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ chính được tổ chức vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, có tổ chức rước kiệu từ các điểm di tích vào địa điểm chính của lễ hội tại sân Chùa Tiên; có lễ tế Thần diễn ra rất trang nghiêm, thành kính. Phần hội được tổ chức vào ngày mồng 5 và mồng 6 Tết, với các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn,… thi đấu thể thao như bắn nỏ, bóng chuyền,… Vào các đêm mồng 3 và mồng 4 Tết, Nhân dân và du khách thập phương sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ truyền thống đậm đà bản sắc quê hương.

 Phần Lễ: sẽ có 4 đoàn rước từ 4 điểm di tích vào tới trung tâm của lễ hội tại sân Chùa Tiên.  Khởi đầu là đoàn rước của Đền Mẫu, thứ 2 là đoàn rước của Đền Trình, thứ 3 là đoàn rước của Đình Trung, thứ 4 là đoàn rước Phật. Đoàn rước nào cũng rợp bóng cờ bay, với 2 hàng bát bảo khí sừng sững uy nghi, với phường bát âm rộn ràng, nhộn nhịp trong điệu Lưu thuỷ, với sự hùng tráng và âm vang của những dàn chiêng, sự vui nhộn, hùng dũng của các màn tứ linh, cùng dòng người nườm nượp đổ về trẩy hội. Đến với lễ hội Chùa Tiên, du khách sẽ được thưởng thức giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Những chiếc kiệu rước Thành hoàng làng là trung tâm của đám rước, được khiêng trên đôi vai của niềm tin, của lòng thành kính và của những ước mong của các nam thanh, nữ tú dân tộc Mường. Những chiếc kiệu như từ truyền thuyết đi ra, vừa lạ, vừa quen, vừa cổ xưa, vừa mới mẻ, vừa bình dị, vừa thân thuộc.  Cùng với đám rước là những nghi thức tế lễ: Có dâng rượu, dâng hương, có đọc sắc phong của các triều vua phong cho các vị Thần, Thành hoàng trong khu di tích; có dâng chúc văn cầu mong các thần linh ban tặng mưa thuận, gió hoà, nhà nhà an khang, xóm làng thịnh vượng,… Đó là những nghi thức đã trở thành truyền thống để tôn vinh các vị Thần, Thành hoàng làng - những người đã vì nước, vì dân được Nhân dân tôn thờ. Theo các sắc phong còn lưu giữ tại khu di tích do các triều Vua: Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924) sắc chỉ cho xã Nhượng Lão (nay là xã Phú Nghĩa) thì các vị thần được thờ tại cụm di tích là Tam vị Tản Viên và Tứ vị Thần Nương. Các vị này đều được phong là Thượng Đẳng Thần. Tam vị Tản Viên Sơn Thánh tức là 3 vị: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương. Trong đó, Thánh Tản Viên là con rể của Vua Hùng thứ 18. Cả 3 vị Thánh Tản đều là các vị thần có công đánh thú dữ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu dân, độ thế, bảo vệ giang sơn của Vua Hùng. Tam vị Tản Viên là các vị Thánh được thờ ở nhiều đình, đền và là Thành hoàng làng của nhiều miền quê ở khu vực Bắc Bộ. Thánh Tản là một trong 4 vị thần được Nhân dân Việt Nam tôn là “Tứ Bất Tử” của dân tộc. Tứ vị Thánh Nương là 4 vị Thượng Đẳng Thần, lúc sống có tiết hạnh sáng ngời; sau khi hoá thì rất linh thiêng, luôn phù hộ cho dân an, nước thịnh. Ngoài những vị thần được thờ có ghi trong sắc phong, tại các điểm di tích hiện nay, các vị thần đang được thờ phụng gồm có:  Đền Trình thờ 3 vị Đức Ông là 3 ông họ Đào có công khai phá vùng đất này. 3 ông khi còn sống có công với dân, khi mất đi được thiên táng theo kiểu chữ Bát và được Nhân dân thờ phụng. Đền Mẫu thờ Mẫu Tổ Âu Cơ ở chính giữa; bên phải thờ Tứ Phủ gồm: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn; bên trái thờ Thất vị Đại vương.  Đình Trung có 2 ban thờ: Một ban thờ Đức Vua; một ban thờ Đức Thánh Ông. Chùa Tiên thờ Phật.  Ngoài ra còn một số điểm đền, động thờ các vị thần khác.

 Phần hội trong lễ hội Chùa Tiên rất sinh động và phong phú; có hội thi ném còn để người gần người hơn; có trò chơi đánh đu và các trò chơi dân gian khác; có các cuộc thi thể thao như bóng chuyền, bóng đá,… thu hút nhiều người tham gia hưởng ứng. Lễ hội xưa (tại xã Nhượng Lão) được tổ chức theo cách gọi của dân gian là việc làng, tại 2 điểm di tích: Đình Thượng và Đình Trung; có tế lễ và rước kiệu từ hai đình đến Bãi Chợ, lễ vọng vào Đền Mẫu rồi rước trở về. Lễ hội Chùa Tiên vốn có từ thời xa xưa, lưu truyền qua nhiều thế hệ và nay đã trở thành thương hiệu đặc biệt cho các hoạt động lễ hội, du lịch huyện Lạc Thuỷ nói riêng, tỉnh Hoà Bình.

          Lễ hội Chùa Tiên năm 2024, Khai hội vào ngày 13/02/2024 (ngày 04/01 Âm lịch). Có nhiều các hoạt động trong chương trình Lễ hội như: Thi đấu các môn thể thao dân tộc (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy); giao lưu bóng chuyền nam; tổ chức các trò chơi dân gian (đi cà kheo, nhảy dây,…). Tổ chức từ ngày 13-14/02/2024 (tức ngày 04 - 05 tháng 01 Âm lịch).  Trình diễn nhạc cụ dân tộc, trình diễn nghệ thuật Chiêng Mường, múa hát dân ca, chầu văn,…Tổ chức ngày 13/02/2024 (tức ngày 04 tháng 01 Âm lịch). Trưng bày sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, văn hoá, ẩm thực,…Thời gian trưng bày từ 14h00’ ngày 12/02/2024 (03/01 Âm lịch) đến 17h ngày 14/02/2024 (05/01 Âm lịch).  Trình diễn thực thành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ. Thời gian từ 10h00’ ngày 13/02/2024 (tức ngày 04 tháng 01 Âm lịch).