DetailController

Tiềm năng du lịch

Phát triển dịch vụ, trọng tâm là du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội

20/06/2024 15:49
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án 08-ĐA/TU về phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Kết quả, ngành dịch vụ đã đạt được kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách của tỉnh. Hoạt động dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, chất lượng các sản phẩm được nâng cao, trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Đặc biệt là lĩnh vực du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng Hoà Bình thành điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, cùng với đó gắn liền với phát triển công nghiệp, nông nghiệp đảm bảo môi trường xanh- sạch - thân thiện với thiên nhiên.
Phát huy thế mạnh của địa phương, tỉnh Hòa Bình tập trung phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí chất lượng cao tại Khu du lịch Hồ Hòa Bình

Đến nay, du lịch Hoà Bình đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đến nay tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 33,29 % trong cơ cấu kinh tế của tỉnh cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra hằng năm và các chỉ tiêu tại Kế hoạch số 05- KH/BCĐ ngày 28/02/2022 của Ban chỉ đạo đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch; các phương án phát triển dịch vụ trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; công tác quy hoạch, kế hoạch đáp ứng được yêu cầu trong phát triển mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Công tác cải cách hành chính, cải cách thể chế và xây dựng cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu về phát triển ngành dịch vụ. Công tác phối hợp triển khai thực hiện giữa các cơ quan đơn vị được tăng cường. Việc tiếp cận nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã thường xuyên và kịp thời, đem lại hiệu quả cho phát triển dịch vụ, du lịch của địa phương.

Đến năm 2023, tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 33,29 % trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đạt 123% mục tiêu của đề án, bao gồm các mục tiêu cụ thể chủ yếu sau: Về du lịch, năm 2023 đón 3,95 triệu lượt khách tham quan du lịch, đạt 80,7% mục tiêu của đề án. Trong đó khách quốc tế là 0,45 triệu lượt, khách nội địa là 3,5 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 4.016 tỷ đồng, đạt 74,4% mục tiêu của đề án. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đón 2,6 triệu lượt khách so với cùng kỳ năm trước tăng 9,9%, đạt 61,9% kế hoạch năm. Trong đó khách quốc tế là 0,26 triệu lượt, khách nội địa là 2,34 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 2.689 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước tăng 29,8%, đạt 58,5% kế hoạch năm.

Trong lĩnh vực phân phối và xuất khẩu: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 là 18%/năm, đạt mục tiêu của đề án; Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2021-2023 là 18%/năm, đạt mục tiêu của đề án. Ước thực hiện 6 tháng 2024: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 36.150 tỷ đồng, tăng 16,14 % so với cùng kỳ năm trước; thực hiện ước đạt 48,62% kế hoạch năm; Kim ngạch xuất ước đạt 969,039 triệu USD, tăng 26,48 % so với cùng kỳ, thực hiện 48,48% kế hoạch năm.

Trong lĩnh vực vận tải, khối lượng vận tải hàng hóa tăng bình quân là 9,8%/năm, đạt 100% mục tiêu của đề án; Vận chuyển hành khách tăng bình quân 9,7%/năm, đạt 100% mục tiêu của đề án. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024: Khối lượng vận tải hàng hoá đường bộ là 10,200 triệu tấn; vận chuyển hành khách đường bộ là 16,708 triệu lượt người; vận chuyển hàng hoá đường thuỷ là 3,628 nghìn tấn; vận chuyển hành khách đường thuỷ là 1,805 nghìn lượt người.

Lĩnh vực thông tin và truyền thông: Có 99% số xã có điểm phục vụ bưu chính, đạt 99% mục tiêu của đề án; 30% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trạm BTS 5G, đạt 100% mục tiêu của đề án;100% các xã trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao, đạt 100% mục tiêu của đề án.

Y tế - Giáo dục: Có 9,47 bác sĩ trên 1 vạn dân, đạt 94,7% mục tiêu của đề án; có 29,04 giường bệnh trên 1 vạn dân, đạt 96,8% mục tiêu của đề án; có 01 bệnh viện tư nhân, đạt 33,3% mục tiêu của đề án; Có 188 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và dịch vụ chăm sóc sức khỏe; đạt 94% mục tiêu của đề án. Cơ sở giáo dục ngoài công lập là 2,07% so tổng số cơ sở giáo dục, đạt 69% mục tiêu của đề án.

Về lao động, việc làm: Số lao động được giới thiệu việc làm tại các cơ sở dịch vụ việc làm trên 10.000 lao động/năm vượt mục tiêu của đề án; Số người lao động tìm kiếm được việc làm trên 1.000 lao động/năm, đạt 111% mục tiêu của đề án. Ước thực hiện 6 tháng 2024: Số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại các cơ sở dịch vụ việc làm trên 6.900 lao động; Số người lao động tìm kiếm được việc làm trên 290 lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nguồn lực đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ; hạ tầng giao thông còn thiếu, hạ tầng du lịch triển khai đầu tư còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương. Môi trường đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm, chưa tạo được quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư lớn, số dự án đầu tư ngoài ngân sách vào tỉnh về lĩnh vực dịch vụ còn hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải tại một số địa phương còn nhiều bất cập. Hoạt động du lịch khó khăn, chưa đáp ứng được mục tiêu “du lịch là mũi nhọn” trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; quy mô kinh doanh dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, hoạt động mang tính thời vụ.

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển dịch vụ, trọng tâm là lĩnh vực du lịch, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch; yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố với các cơ quan liên quan hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, vướng mắc về cơ chế chính sách để tạo điều kiện triển khai nhanh dự án.

Tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực dịch vụ, trọng tâm là lĩnh vực du lịch, nhằm hướng tới mục tiêu đủ số lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh; xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nguồn nhân lực, đa dạng các hình thức đào tạo; tăng cường nâng cao kỹ năng nghề và bổ sung hình thành các kỹ năng chuyển đổi, các kỹ năng mới.... Thực hiện các chương trình của Trung ương, Tỉnh ủy… đảm bảo phù hợp định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh.

Bố trí ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và huy động các nguồn lực của toàn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là đầu tư hệ thống đường giao thông, bến thuyền kết nối các điểm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn chất lượng cao để đạt được mục tiêu. Tập trung ưu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông du lịch đến các khu, điểm du lịch trên bàn tỉnh; đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông về các bến cảng du lịch và tuyến đường hai bên ven hồ Khu du lịch hồ Hoà Bình để kết nối các điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông phục vụ cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án du lịch, du khách và người dân địa phương. Quan tâm đầu tư hệ thống lưới điện đảm bảo cho phát triển du lịch, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các dự án trong việc đấu nối cung cấp điện, đặc biệt là các điểm du lịch đã có nhà đầu tư và các dự án trọng điểm của tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác quy hoạch; triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch theo Luật Quy hoạch; tăng cường quy chế phối hợp quản lý nhà nước; quản lý chặt chẽ quy hoạch các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Chủ động xây dựng chương trình, định hướng, chiến lược phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh phù hợp với lợi thế cạnh tranh của tỉnh trên cơ sở chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Rà soát, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách trong công tác đầu tư phát triển lĩnh vực dịch vụ, trọng tâm là lĩnh vực du lịch; nghiên cứu giải pháp phù hợp với thực tế tại địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, trọng tâm là lĩnh vực du lịch. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đối với những nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát lập dự án du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao thì yêu cầu phải cam kết xây dựng cơ sở xếp hạng 4 đến 5 sao để tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng cũng như thương hiệu cho ngành du lịch của tỉnh.

Tiếp tục chỉ đạo và khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc đáp ứng cho khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Tăng cường công tác lãnh đạo cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành kinh tế - xã hội, gắn kết chặt chẽ với đề án xây dựng chính quyền điện tử cấp tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nhanh với các dịch vụ trong giải quyết công việc./.