Theo Sở NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh ước đạt 8.627,9 tỷ đồng, tăng 7,16% so với cùng kỳ. Có được kết quả đó là nhờ các địa phương đã bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với đó, công tác thủy lợi là yếu tố quan trọng góp phần tạo đột phát trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi đã tăng cường công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, sử dụng nước tưới hợp lý phù hợp với tiến độ sản xuất, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hạn. Các địa phương đã thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất; quản lý chặt chẽ nguồn nước, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Ngành NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố chủ động xây dựng phương án chống hạn; thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi; Chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn vận hành có hiệu quả các công trình nước được giao quản lý. Chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt I/2021: Các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã triển khai với khối lượng là: 289.968 m3 đất đào đắp, phát dọn 1.649.922 m2 kênh mương, 6.330 m3 đá xây. Ước tính ngày công huy động 327.567 công, tương ứng với kinh phí 22,93 tỷ đồng, đạt 103,6% so với kế hoạch.
Hiện nay, toàn tỉnh có có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Trong 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập có 49 hồ lớn (dung tích từ 3-10 triệu m3 hoặc chiều cao từ 15m trở lên), 151 hồ đập loại vừa (dung tích từ 0,5-3 triệu m3 hoặc chiều cao đập từ 10 - 15m), 274 hồ đập loại nhỏ (dung tích từ 0,05-0,5 triệu m3 hoặc chiều cao đập từ 5-10m). Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 07/4/2021 trong vụ đã có 1.148,5 ha diện tích bị hạn hán, thiếu nước bao gồm 333,5 ha lúa, 500 ha màu và cây công nghiệp, 315 ha cây ăn quả và cây lâu năm.
Sở NN&PTNT đã tăng cường kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập trước mùa mưa lũ năm 2021. Qua kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa lũ, có 212 hồ bị hư hỏng xuống cấp, 332 hồ hoạt động bình thường. Số lượng hồ đập hư hỏng xuống cấp chiếm 38,9% tổng số hồ chứa toàn tỉnh. Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn công trình cần có kế hoạch sửa chữa 107 hồ, đập chứa nước thủy lợi tổng kinh phí dự kiến 606.800 triệu đồng. Xây dựng và trình phê duyệt phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Thường xuyên kiểm tra các tuyến đê cấp III và các cống dưới đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm, đê Ngòi Dong; kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật đê điều, phát hiện các sự cố, hư hỏng và kịp thời khắc phục. Quản lý, khai thác hiệu quả 07 công trình cấp nước tập trung nông thôn cấp nước thường xuyên đảm bảo cho trên 6.747 hộ gia đình tạo các huyện Lạc Sơn, Mai Châu, Kim Bôi, Đà Bắc và Yên Thủy và trình phê duyệt kết quả thực hiện Bộ chỉ số theo dõi – đánh giá nước sạch năm 2020.
Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý khai thác hạ tầng công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn hồ, đập; làm tốt công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi gắn với phát triển du lịch, dịch vụ để các công trình thủy lợi không chỉ đảm bảo tốt nhiệm vụ tưới tiêu, mà còn thúc đấy phát triển kinh tế đa ngành theo hướng bền vững. Từ đó xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng./.