Gia đình anh Bùi Văn Chung có 07 anh em, bố mẹ đều là người khuyết tật bẩm sinh. Do hoàn cảnh gia đình túng bấn, đói nghèo thường xuyên nên đều mất sớm. Là anh trai cả, dưới còn 6 người em, anh Chung quyết định nghỉ học để chăm lo cho các em. Anh luôn trăn trở suy nghĩ: làm thế nào để đời sống gia đình được ổn định, các em khôn lớn, trưởng thành, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Chung chia sẻ: “Những ngày đầu lập nghiệp, anh em trong gia đình khi thì gieo trồng cây lúa, màu, cây dược liệu, kết hợp trồng cây lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi… Thời vụ nông nhàn thì tự tổ chức đóng, nung gạch, sản xuất đá thủ công làm vật liệu xây dựng bán cho nhân dân địa phương, tổ chức đi làm đất thuê, vận tải hàng hóa, xây dựng các công trình dân sinh nhỏ lẻ trên địa bàn…”
Nhận thấy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ không thể làm giàu lâu bền được, anh Chung quyết định đầu tư làm kinh tế lớn hơn. Năm 2000 anh nhận thầu toàn bộ diện tích đất bưa bãi hoang hóa, huy động nhân công, lao động của gia đình để khai phá trồng cây lâm nghiệp, kết hợp trồng xen cây hoa mầy trên 27 ha đồi rừng theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời nhận thầu toàn bộ diện tích mặt nước hồ Rộc Cọ để tổ chức nuôi thả cá. Do thiếu vốn đầu tư sản xuất, anh Chung mạnh dạn vay vốn ngân hàng cộng thêm số tiền gia đình tích lũy để mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi với quy mô lớn. Từ năm 2006 đến nay, gia đình đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp: phát triển kinh tế trang trại kết hợp làm dịch vụ. Gồm nhiều hình thức sản xuất như: trồng rừng nguyên liệu kết hợp trồng cây lấy gỗ và nuôi ong lấy mật trên diện tích 27 ha rừng; Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, duy trì hằng năm khoảng từ 10 – 18 con trâu, bò; 01 trang trại nuôi lợn quy mô từ 50 -100 con; một đàn dê từ 35 – 50 con và hàng ngàn con gia cầm các loại, thầu diện tích mặt nước hồ Rộc Cọ để thả cá cung cấp cho thị trường và kết hợp phát triển du lịch sinh thái; Tổ chức một đội thợ từ 12 – 20 người chuyên làm dịch vụ xây dựng những công trình dân dụng như nhà ở dân cư; sửa chữa, nâng cấp các công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn xã. Từ những hoạt động trên, thu nhập của gia đình anh Chung hằng năm sau khi đã trừ các khoản chi phí đạt từ 200 – 300 triệu đồng/năm.
Ngoài làm giàu chính đáng cho gia đình, anh Chung còn tạo công ăn, việc làm cho từ 25 – 30 lao động, là người nghèo trên địa bàn với mức thu nhập bình quân từ 2,5 – 4,0 triệu đồng/người/tháng, giúp họ thoát nghèo và thu nhập ổn định. Đối với bà con địa phương, anh giúp những gia đình nghèo phát triển kinh tế, cụ thể: giúp đỡ cho trên 28 hộ xóa nhà tạm, 05 hộ mua con giống, cá giống, 02 hộ mua máy nông nghiệp…Như gia đình 3 mẹ con chị Trần Thị Loan, thôn Đồng Bầu (An Bình, Lạc Thủy), quanh năm sống trong căn nhà vách đất sập xệ. Khi biết được hoàn cảnh khó khăn của chị, anh Chung đã đến tận nơi và nhận giúp chị làm nhà. “Anh bảo tiền vật liệu thiếu đâu anh giúp, còn tiền công khi nào có trả anh sau”, chị Loan bùi ngùi kể lại.
Từ những nỗ lực của bản thân và gia đình, đến nay gia đình anh được công nhận là gia đình văn hóa. Giai đoạn 2007 – 2011, được UBND huyện Lạc Thủy công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu cấp huyện. Ngoài ra, anh còn nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội nông dân và UBND huyện vì những đóng góp của mình trong việc phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, năm 2012, anh được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng và được chọn cử đại diện nông dân tỉnh Hòa Bình đi dự Hội nghị biểu dương tại Hà Nội.
Vừa qua, anh Bùi Văn Chung được Tỉnh ủy Hòa Bình tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, nêu cao tinh thần trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Mình. Với những thành tích đó, anh Bùi Văn Chung trở thành tấm gương sáng từ việc làm giàu chính đáng bằng sức lao động của bản thân trên chính quê hương mình.