Thời gian qua, hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) ở Lạc Thủy đã có những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển KT-XH, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều đề tài, dự án KHCN đã và đang được ứng dụng thiết thực, hiệu quả trong lĩnh vực SXNN. Điển hình là các mô hình: cải tạo đàn bò, đàn dê địa phương, các mô hình khảo nghiệm giống cây trồng, mô hình nuôi các con đặc sản, trồng rừng kinh tế cao... Tổng giá trị SX nông - lâm nghiệp - thủy sản của huyện Lạc Thủy năm 2011 ước đạt trên 170 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2008. Nhiều năm gần đây, các hình thức kinh tế hộ ngày càng được phát triển với cơ cấu đa dạng, đặc biệt là KTTT. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lạc Thủy có 272 trang trại được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 224 trang trại hoạt động hiệu quả với bình quân thu nhập đạt 49,4 triệu đồng/năm.
Thành tựu tăng trưởng KT-XH ở Lạc Thủy trong những năm qua bắt nguồn từ sự đổi mới cơ chế, chính sách, đặc biệt là vai trò lực lượng lao động nông nghiệp. Hiện, toàn huyện có khoảng 87% số lao động chủ yếu tập trung SX trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất lao động thấp, phương thức SX còn lạc hậu dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế đó, gần đây, việc giải quyết việc làm ở nông thôn theo hướng coi trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Lực lượng lao động qua đào tạo theo từng mô hình, dự án, bảo đảm nâng cao tay nghề và tiếp cận được máy móc, phương tiện, công cụ, công nghệ, quy trình SX hiện đại. Trong giai đoạn này, huyện đã đầu tư mở rộng nhiều cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi, bảo đảm hàng năm có thể giải quyết việc làm mới cho khoảng trên 14.000 lao động.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Quách Tất Liêm cho biết: Nhiều nơi trong huyện đã ứng dụng KHCN phát triển SX, từng bước triển khai đề án giải quyết việc làm ở nông thôn. Cách làm này có thể tăng nhanh số lượng lao động trong nông nghiệp, nông thôn và tạo được việc làm mới cho những người đang bước vào độ tuổi lao động. Các mô hình SX trong quá trình ứng dụng KHCN theo hướng đa canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng về đánh bắt, nuôi thủy sản đã tạo được việc làm thường xuyên và có thu nhập cao cho người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Lạc Thủy vẫn còn nhiều vướng mắc. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, có chương trình hành động NQ số 26-NQ/T.ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng công tác triển khai thực hiện vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Đó là cơ cấu SXNN chuyển dịch chậm, lúa vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây trồng trên địa bàn và giá trị SX trên một đơn vị diện tích còn thấp. Việc chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực còn chậm, chưa có bước đột phá thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH. Năng lực, trình độ cán bộ cơ sở vừa thiếu, vừa yếu. Trình độ quản lý, điều hành của một số cán bộ đầu ngành ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu để đẩy nhanh CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tâm lý SX nhỏ, tiểu nông trong nông dân còn phổ biến, sự trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự giúp đỡ của Nhà nước còn nặng nề. Một bộ phận nông dân chưa thấy hết trách nhiệm của mình đối với công cuộc đổi mới ở nông thôn hiện nay...
Để khắc phục những tồn tại trên, huyện Lạc Thủy đang chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tổ chức rà soát lại các quy hoạch, đề án, dự án đã phê duyệt, đồng thời điều chỉnh chính sách, có cơ chế đầu tư hợp lý, hiệu quả từng chương trình, dự án. Thực hiện tốt việc ứng dụng KHCN vào SX, coi đây là một trong những biện pháp then chốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả trong lĩnh vực thị trường hàng hóa và thị trường lao động ở khu vực nông thôn. Đầu tư mới và nâng cấp các công trình thiết yếu đúng tiêu chuẩn, bảo đảm phục vụ đời sống xã hội ở nông thôn. Thực hiện dồn điền, đổi thửa phát triển mạnh vùng nguyên liệu bảo đảm phục vụ công nghiệp chế biến. Tạo việc làm mới cho nông dân, từng bước chuyển đổi ngành nghề nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở, khôi phục và phát triển văn hóa truyền thống... để tạo đà xây dựng NTM văn minh, hiện đại.