Trong các sản phẩm nông nghiệp, cây lấy măng (Tre gai, Tre Bát độ Bương, luồng…) thuộc nhóm lâm sản phụ ngoài gỗ, tuy nhiên giá trị kinh tế lại không nhỏ, ngoài việc khai thác cây trưởng thành để sử dụng vào mục đích lấy gỗ nguyên liệu phụ vụ xây dựng và gia dụng, việc khai thác măng còn đem lại giá trị cao trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện vùng trồng các loại cây lấy măng được trồng rải rác tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trước năm 2008, Tre măng Bát độ đã được trồng ở huyện Lạc Thủy với diện tích khoảng 18 ha, chủ yếu trồng tại vườn nhà của các hộ gia đình, mục đích để khai thác măng phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên diện tích Tre măng Bát Độ không mở rộng do người dân chưa có ý tưởng trồng Tre măng Bát Độ để tạo thành hàng hóa. Kết quả điều tra, khảo sát diện tích trồng cây lấy măng trên địa bàn huyện đến hết năm 2021 là 155,0 ha.
Do chưa chú trọng trong việc trồng để khai thác măng nên diện tích Tre Bát độ (Giống chuyên măng) là thấp nhất, chủ yếu là các giống đa mục đích như Tre gai, Bương, Luồng, trong đó diện tích tre gai lớn nhất là 67,2 ha tương đương 43,5% tổng diện tích cây lấy măng trên địa bàn huyện. Theo đó, năng xuất măng cũng ở mức trung bình 28,6 tấn măng tươi/ha/năm. Trong đó giống Tre Bát Độ có năng xuất cao nhất là 44,3 tấn măng tươi/ha/năm. Trên thực tế sản lượng măng khai thác hàng năm chiếm khoảng 30% tổng sản lượng măng trên địa bàn huyện, tương đương khoảng 1.183 tấn măng tươi các loại. Còn lại chủ yếu để phát triển thành cây trưởng thành để sử dụng vào mục đích khác. Hiện trên địa bàn huyện có Công ty Cổ phần Măng Kim Bôi, địa chỉ tại thị trấn Ba Hàng Đồi, chuyên chế biến các sản phẩm từ măng với diện tích nhà xưởng là 13.640,9 m2, công suất thiết kế 1.400 tấn măng/năm, sản lượng năm 2021 là 1.300 tấn. Hiện nay Công ty đang sản xuất 25 sản phẩm các loại từ măng với giá bán trung bình 35.000/kg. Có thể nói đây là một lợi thế rất lớn để huyện Lạc Thủy phát triển cây măng.
Tuy nhiên do chưa hình thành vùng trồng tập trung nên cây măng chưa phát huy được giá trị kinh tế. Việc trồng cây lấy măng chủ yếu phát triển tự phát, quy mô nhỏ, chưa đầu tư thâm canh, do đó diện tích, năng suất, sản lượng măng còn rất thấp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện.
Căn cứ vào thực tế trên, UBND huyện ban hành Đề án phát triển cây lấy măng trên địa bàn huyện Lạc Thủy, giai đoạn 2022 – 2025. Mục tiêu của Đề án: Đến năm 2025 trồng mới trên 80 ha cây lấy măng, nâng tổng số diện tích cây lấy măng trên địa bàn huyện lên 235 ha. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, quy hoạch vùng sản xuất trồng cây lấy măng nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai. Phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị các loại nông sản hàng hóa có lợi thế của huyện, gắn với xây dựng xây dựng mới. Nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, lựa chọn cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ tốt môi trường sinh thái. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án là trên 7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn NSNN hỗ trợ 13%, còn 87% vốn là do người sản xuất thực hiện.
Huyện định hướng thời gian tới, phát triển nông nghiệp toàn diện và vững chắc theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, tiến dần đến nền nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo sự phát triển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị các loại nông sản hàng hóa có lợi thế của địa phương. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, quy hoạch vùng sản xuất trồng cây lấy măng... nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai. Tập trung đầu tư xã quy hoạch vùng nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản cung cấp cho công nghiệp chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Định hướng phát triển diện tích trồng cây lấy măng trong đó trú trọng phát triển diện tích trồng giống chuyên măng có năng suất cao như Tre Bát độ,… phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng mới trên 80,0 ha Măng, đưa tổng diện tích trồng Măng trên địa bàn là 235,0 ha.
Trong đó sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, khoa học kỹ thuật, nhân lực lao động nhằm đảm bảo vùng trồng măng tập trung, thuận lợi cho quá trình quản lý và tổ chức sản xuất cần phải điều tra, xác định ranh giới, diện tích giữa thực địa và bản đồ của chủ quản lý, sử dụng trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương. Thực hiện liên kết từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản và thu mua sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất măng; Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ măng.