DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Lạc Sơn: Tăng cường đẩy mạnh sản xuất vụ Đông năm 2024

24/09/2024 16:30
Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 9 tháng đầu năm 2024 đến nay ước đạt 21.293,7ha/21.007 ha kế hoạch đạt 101,4% kế hoạch (trong đó vụ đông là 2.771,4 ha/2.215 ha kế hoạch, vụ xuân là 10.513,5 ha/10.420 ha kế hoạch; vụ Mùa – Hè thu 8.008,8/7.839 kế hoạch ha). Tăng 0,44% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay đã thực hiện chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng khác là 862,43ha, trong đó: Vụ Xuân chuyển đổi đạt khoảng 569,52 ha; Vụ Mùa chuyển đổi đạt 259,5 ha, trong đó tập trung trồng một số cây như: Ngô, lạc, bầu bí các loại. 9 tháng đầu năm đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 11,2 ha, tại xã Mỹ Thành. Cây ăn quả có múi: Ước đến nay tổng diện tích trồng cây có múi hiện có là 732,12 ha, trong đó: Cam 236,2 ha, Bưởi 460,22 ha, Quýt 25,0 ha và 10,7 ha Chanh.

Theo kế hoạch, toàn huyện Lạc Sơn phấn đấu tổng diện tích gieo trồng vụ Đông xuân 2024- 2025 đạt 2.215 ha, tập trung vào một số cây chủ yếu: Ngô 1.250 ha; Khoai lang 260ha; Rau, đậu các loại 650 ha và cây hàng năm khác 55 ha. Theo dự báo vụ Mùa, Hè thu năm 2024 diễn ra thuận lợi, công tác chỉ đạo được thực hiện tập trung, sớm hơn so với cùng kỳ 7 - 10 ngày. Dự kiến lúa của toàn huyện sẽ cho thu hoạch cuối tháng 9; Từ 6 – 8 /9 ảnh hưởng của cơn bão số 3, làm một số diện tích lúa và hoa màu thiệt hại. Cùng với lượng nước phục vụ sản xuất được tích đủ tại các hồ chứa trên địa bàn là các điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh, sớm triển khai sản xuất vụ Đông năm 2024. Tuy nhiên, theo dự báo từ nay đến cuối năm, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina, số lượng bão/ áp thấp nhiệt đới sẽ có khả năng suất hiện nhiều hơn, lượng mưa sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%, có khả năng xảy ra ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất. Vụ Đông có thời gian sản xuất ngắn nhưng được đánh giá là vụ sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm có tính chất hàng hóa, đa dạng và đem lại giá trị kinh tế cao.

Để đảm bảo các điều kiện thuận lợi đẩy mạnh sản xuất vụ Đông 2024 thành vụ sản xuất chủ lực, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện bất thuận. Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên diện tích lúa mùa trà muộn và các cây rau màu. Chú ý phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh gây hại và điều kiện thời tiết trong mùa vụ tránh gây ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng cây trồng. Sau thu hoạch tập trung thu dọn tàn dư, phụ phẩm nông nghiệp, giải phóng đất sớm phục vụ sản xuất cây màu vụ Đông. Đối với diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, các diện tích lúa đã chín đạt trên 85% tiến hành thu hoạch và giải phóng đất để chủ động thời vụ gieo trồng của từng loại cây vụ Đông hiệu quả; mở rộng diện tích cây vụ Đông trên đất sản xuất lúa mùa trà sớm và đa dạng hóa các loại cây trồng nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Với những diện tích đã thu hoạch xong, cần tranh thủ làm đất ngay, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ làm đất, chủ động lên luống ca bố trí rãnh thoát nước để phòng và hạn chế hiện tượng ngập úng cục bộ xảy ra; sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy nhanh các tàn dư thực vật.

Thực hiện tuân thủ đúng khung thời vụ cho từng nhóm cây vụ Đông: Đối với nhóm cây ưa ấm (cây ngô, lạc, đậu tương) kết thúc thời vụ gieo trồng trước 05/10, với ngô sinh khối có thể gieo đến 20/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11; đối với nhóm rau ăn lá cần bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống hợp lý nhằm rải vụ thu hoạch và đảm bảo nguồn cung ổn định, hạn chế tình trạng dư thừa tụt giá. Tăng cường thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Tiếp tục đầu tư, cải tạo hệ thống thuỷ lợi nội đồng đảm bảo tưới - tiêu chủ động, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất lúa trồng cây màu vụ Đông.

Yêu cầu Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp: Chủ động lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác xây dựng các chương trình, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất như: Hỗ trợ kinh phí tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; hỗ trợ vật tư giống, thuốc bảo vệ thực vật. Chủ động kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân để nâng cao hiệu quả, tăng giá trị thu nhập trong sản xuất vụ Đông. Duy trì ổn định các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu cho sản xuất. Tăng cường quản lý tốt chất lượng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật....); xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng./.