DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Lạc Sơn: Gắn phát triển kinh tế nông nghiệp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

16/01/2015 00:00
Trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lạc Sơn đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn . Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng hàng năm bình quân toàn huyện đạt 21.669,6ha. Cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp chiếm 47%, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,13%. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực hiện theo đúng chủ trương của huyện, giảm dần diện tích cây lúa và một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, hình thành các vùng sản xuất tập trung như: mía tím, bí xanh, cây lấy hạt, củ đậu… Toàn huyện tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, vì vậy tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 64.188 tấn. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành chiếm 37% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng đàn trâu là 20.240 con, đàn bò 9.845 con, lợn 106.697 con, gia cầm 684.800 con. Các mô hình như chăn nuôi lợn bản địa ở các xã tiếp tục được duy trì và phát triển; mô hình nuôi ong đang có xu hướng phát triển với tổng đàn ong là 5.600 đàn, trong đó 212 hộ nuôi từ 5 đến 10 đàn, 61 hộ nuôi từ 10 – 20 đàn, 25 hộ nuôi trên 20 đàn, còn lại các hộ nuôi từ 1 đến 5 đàn.

Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh được chủ động thực hiện tốt; công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường kịp thời đã góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan. Đồng thời hoàn thành Đề án quy hoạch chi tiết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn thực hiện tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất như: các lớp tập huấn FFS chọn tạo giống lúa, IPM trên cây lúa, ngô và cây rau, màu…  

Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự nỗ lực vươn lên, vượt mọi khó khăn của nhân dân các dân tộc trong huyện Lạc Sơn. Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: các mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất mang mún chưa tạo được sản phẩm đủ lớn để cung cấp cho thị trường, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao còn chậm, nhân dân chưa thực sự chủ động chuyển đổi; nông dân và doanh nghiệp chưa tạo được chuỗi liên kết, chưa hợp tác được với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nông dân còn thiếu về vốn; hệ thống thủy lợi, điện phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được với yêu cầu; việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế; nhiều mô hình điểm thành công nhưng chưa nhân ra diện rộng được.

Thời gian tới, huyện Lạc Sơn tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Sản xuất gắn với chế biến và nhu cầu thị trường. Chú trọng sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm hàng hóa phải đạt tiêu chuẩn chất lượng và phải có hướng thương hiệu trên thị trường. Tăng cường công tác vận động nhân dân mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, vườn kém chất lượng, hiệu quả thấp sang đầu tư trồng các loại cây có giá trị cao hơn. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vào vùng quy hoạch sản xuất, khuyến khích phát triển chăn nuôi. Phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm, tập trung xây dựng các điểm giết mổ tập trung đưa vào sử dụng. Củng cố và phát triển mô hình câu lạc bộ chăn nuôi. Quản lý chặt chẽ vật tư phân bón, thuốc thú y, thuốc BVTV, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; làm tốt công tác thú y phòng chống dịch bệnh, bảo vệ thực vậy, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm và diện tích cây trồng đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở kiểm tra, giám sát khuyến khích các hộ, các cơ sở, các công ty kinh doanh thực hiện đúng quy định. Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân tham gia liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hạn chế các phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không theo kế hoạch cụ thể. Thu thập thông tin, tuyển chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao nhân rộng cho nhân dân thực hiện./.