DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Lạc Sơn: Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng

18/07/2022 00:00
Huyện Lạc Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên trên 35,6 nghìn ha, đây là tiềm năng thế mạnh lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Theo điều tra, tính đến hết năm 2021, tổng diện tích đất lâm nghiệp trong quy hoạch là 35,2 nghìn ha, gồm có: đất có rừng 30,5 nghìn ha, diện tích đất trồng cây nhưng chưa thành rừng 4,6 nghìn ha, diện tích đất trống có cây gỗ tái sinh 45,3 ha. Độ che phủ rừng hiện khoảng 53%.
Người dân nhân rộng mô hình trồng Dổi ghép, phát triển trồng rừng và cho giá trị kinh tế cao

Để bảo vệ và phát triển rừng, UBND huyện đã tích cực vận động, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức trồng rừng và khuyến khích thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho trồng rừng, bảo vệ rừng. Hiện tại các xã, thị trấn đã kiện toàn được 24 Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững với 340 thành viên tham gia; có 245 tổ đội quần chúng Bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, với 1263 người tham gia, sẵn sàng huy động mọi lực lượng, phương tiện để bảo vệ rừng, tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Các phương án quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cấp huyện và cấp xã được xây dựng và tổ chức thực hiện có cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình, đặc điểm từng địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện xảy ra 04 vụ vi phạm Luật lâm nghiệp, trong đó có 03 vụ phá rừng và 01 vụ khai thác lâm sản trái phép. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn huyện không để xảy ra cháy rừng.

Ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện giao Hạt kiểm lâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện tốt việc sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Tổ chức tham quan học hỏi mô hình trồng Dổi ghép năng suất, chất lượng cao tại các xã Thượng Cốc, Chí Đạo, Quyết Thắng nhằm nhân rộng mô hình trồng rừng, phát triển rừng giá trị cao, bền vững. 6 tháng đầu năm đã thực hiện trồng rừng tập trung được 800 ha; hưởng ứng trồng được 40 nghìn cây xanh; khai thác 645 ha rừng trồng....

Với mục tiêu quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng; phát triển ngành lâm nghiệp thành ngành sản xuất chủ lực, đóng góp quan trọng vào giảm nghèo bền vững và làm giàu cho người dân sản xuất lâm nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Huyện đề ra kế hoạch trong năm 2023, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt khoảng 3-3,5%/năm%. Diện tích rừng trồng nguyên liệu tập trung khoảng 8 nghìn ha; trong đó diện tích rừng trồng thâm canh gỗ lớn 2 nghìn ha, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững mới chỉ có doanh nghiệp nhà nước (Đội lâm nghiệp Lạc Sơn) được cấp chứng chỉ FSC. Hàng năm trồng rừng sản xuất mới và trồng lại sau khai thác khoảng 800 ha đến 900 ha/năm. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tham gia nghề rừng. Giữ ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2023 đạt 53%. Chất lượng rừng ngày càng tăng lên, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen, tính đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái rừng, phát huy tốt vai trò, tác dụng chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước đầu nguồn, hạn chế thiệt hại thiên tai do ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu. Trồng rừng góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của địa phương, là nền tảng cho sự phát triển và ổn định chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng tự nhiên là rừng đặc dụng, phòng hộ. Đầu tư kinh phí khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2025 với tổng diện tích 2.173,96 ha. Tiếp tục chính sách hỗ trợ cho cộng đồng dân cư vùng đệm;  Bảo vệ và phát triển các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp; bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng,… Phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng, phấn đấu: Trồng rừng tập trung đạt khoảng 800 ha; trồng khoảng 40.000 cây phân tán; Năng suất rừng trồng bình quân khi khai thác chính đạt 75 m3 và 20 ster củi trên 01 ha; Sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ đạt hơn 600 tấn, hạt dổi khai thác đạt 9,0 tấn, cây tre luồng khoảng 25.000 cây. Xây dựng và thực hiện phương án quản lý bền vững diện tích rừng hiện có./.