Trao đổi với ông Bùi Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn được biết: Để triển khai thực hiện đề án, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm giống cây trồng tỉnh, UBND xã Dân Hạ, Độc Lập, Hợp Thành để chịu trách nhiệm quản lý, điều phối thực hiện kế hoạch dự án. Nhìn chung các thành viên tham gia đều nhận thức rõ các mục tiêu chính của đề án, căn cứ để thực hiện. Đối với công tác thành lập tổ HTX, UBND các xã ra quyết định thành lập 3/3 tổ HTX tại 3 xóm tham gia và có quy chế hoạt động đảm bảo mục tiêu đề ra. Công tác dồn điền đổi thửa được thực hiện theo phương châm tự nguyện đăng ký, cùng nhau góp sức; làm mạ theo phương thức làm mạ khay gieo tự động. Theo đó kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch được áp dụng theo quy trình của Sở NN&PTNT Hòa Bình. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện, tổ công tác và HTX tiến hành họp dân lấy ý kiến về nhu cầu loại giống và phân bón, trực tiếp tham gia trong quá trình giao dịch, kiểm tra giá, thảo luận các nội dung và điều khoản trước khi ký hợp đồng. Từ sự minh bạch trong quản lý, nâng cao năng lực cho người dân, đảm bảo tính diệu quả và bền vững của đề án, người dân rất phấn khởi, nhiệt tình và có trách nhiệm thực hiện đề án. Thực hiện đề án, ngân sách huyện hỗ trợ tiền mua giống lúa với giá hỗ trợ năm đầu 100%, phân bón 50%; tập huấn kỹ thuật cho nông dân định kỳ khoảng 8 lần/vụ; hỗ trợ 50- 100% tiền đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất như khay, giá thể, máy gieo mạ khay. Tùy thuộc vào nguồn ngân sách từng xã sẽ hỗ trợ tiền làm nhà xưởng, mua thuốc BVTV từ 50- 100%.
Vụ chiêm xuân 2013- 2014, đề án “Cánh đồng mẫu” triển khai trên địa bàn huyện Kỳ Sơn với diện tích 23,24ha tại các xóm Nút, xã Dân Hạ; xóm Can 1, xã Độc Lập và xóm Ngọc Xạ, xã Hợp Thành. Nhìn chung mô hình cánh đồng mẫu tại các xóm đều mang lại hiệu quả thiết thực. Năng suất lúa được cải thiện, đạt 7,2 tấn/ha (phương thức sản xuất cũ đạt 4,6 tấn/ha). Các tổ chức hợp tác xã sau khi thành lập đã đi vào hoạt động ổn định, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, làm giảm chi phí về giống, giảm diện tích đất làm mạ trung bình 6,4 triệu/ha/vụ (tương đương 149,37 triệu đồng/ 23,34 ha vụ/3 tổ HTX). Đồng thời làm tăng thu nhập cho các tổ HTX từ 1,7 triệu đồng lên 5,96 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó khi thực hiện cánh đồng mẫu góp phần giảm chi phí đầu vào và đem lại lại nhuận tăng thêm so với ngoài mô hình từ 10,92-13,51 triệu đồng/ha/vụ (tăng thu nhập cao hơn phương thức sản xuất cũ từ 2-3 lần; giảm giá thành sản xuất so với ngoài mô hình từ 1.392-1847 đồng/kg thóc). Ngoài hiệu quả kinh tế, thông qua thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn” bước đầu có thể khẳng định mối liên kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân) đã tạo sự nhận thức và niềm tin của người nông dân trong việc cần và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nông dân có nhận thức về sử dụng thuốc BVTV trên cây lúa tiết kiệm, hiệu quả; nhằm hạn chế thấp nhất của việc sử dụng thuốc gây ô nhiễm môi trường sinh thái làm tăng chi phí không cần thiết, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng như kết quả đạt được, đề án trong quá trình thực hiện cũng gặp những khó khăn như diện tích trồng lúa của các hộ nông dân không lớn, nông dân chưa tiếp cận được nhiều với quy trình sản xuất lúa theo VietGap, trình độ nông dân không đồng đều nên việc tiếp thu tiến bộ KHKT còn hạn chế. Cùng với đó các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa, rau và các cây trồng khác, ảnh hưởng tới chuỗi giá trị hàng hóa của hệ thống sản xuất. Vẫn còn thiếu cung cấp thông tin thị trường cho nông dân.…
Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo đề án của huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển mối liên kết giữa 4 nhà trong việc thực hiện đề án. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia, trong đó vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc tham gia cung ứng vật tư đầu vào, chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân; hoàn chỉnh các tiêu chí về “cánh đồng mẫu” đối với từng loại cây trồng, từng xã cho phù hợp để khuyến cáo cho các địa phương áp dụng, mở rộng mô hình.
Sản xuất lúa vụ mùa năm 2014, huyện Kỳ Sơn đặt kế hoạch là 38 ha tại các xã Dân Hạ, Hợp Thành, Độc Lập và Mông Hóa. Năm 2015, duy trì và phát triển diện tích trồng lúa theo mô hình cánh đồng mẫu và triển khai cây vụ đông từ 10-15 ha. Năm 2016 trở đi, các địa phương đánh giá và chủ động nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu. Chủ trương của huyện Kỳ Sơn là tiến đến xây dựng “cánh đồng mẫu” không chỉ trên cây lúa mà còn trên các cây trồng khác./.