DetailController

Trồng trọt

Kim Bôi: Chủ động triển khai sản xuất vụ Mùa – Hè thu năm 2024

06/05/2024 16:10
Vụ Đông năm 2023, toàn huyện Kim Bôi đã gieo trồng được 1.861,4 ha cây trồng hằng năm, đạt 102,8% kế hoạch, bằng 99,3% cùng kỳ. Cây rau đậu các loại là 857,32 ha, đạt 119,6% kế hoạch, bằng 99,7% cùng kỳ, năng suất 144,2 tạ/ha, đạt 99,4% kế hoạch, bằng 95,1% cùng kỳ; Cây khác là 230,7 ha, đạt 105,8% kế hoạch, bằng 100,3% cùng kỳ.
Tập trung phát triển diện tích rau màu, thâm canh tăng vụ cho thu nhập ổn định

Trong vụ Chiêm Xuân, toàn huyện đã gieo trồng khoảng 7.129 ha cây hàng năm, đạt 99,7% kế hoạch, bằng 99,9% cùng kỳ. Các xã, thị trấn đã tập trung gieo cấy lúa và cây màu, tích cực chăm sóc cây trồng, các đối tượng gây hại có xảy ra nhưng do chủ động trong áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại kịp thời nên không gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sinh trưởng, phát triển; dự kiến năng suất lúa ước đạt 58 - 60 tạ/ha; năng suất ngô ước đạt 50 - 51 tạ/ha.

Nhận định vụ Mùa - Hè Thu là vụ sản xuất có diện tích gieo cấy lúa lớn, đa dạng cây trồng, ảnh hưởng lớn đến tổng diện tích, sản lượng cây trồng và tổng giá trị sản xuất của cả năm. Đây cũng là vụ sản xuất có diễn biến phức tạp mưa bão, tố lốc bất thường ... nguy cơ tiềm ẩn lớn về dịch hại trên cây trồng. Dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến khó lường, sẽ gây ra nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất cả năm, các địa phương cần tập trung chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa và cây màu vụ Chiêm xuân, triển khai sớm kế hoạch sản xuất vụ Mùa - Hè Thu tạo điều kiện sản xuất vụ Đông. Chủ động mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, lựa chọn cơ cấu giống lúa hợp lý, hiệu quả; không để đất trống, tập trung chăm sóc, thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Tăng cường khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường và kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tổ chức tốt việc thường trực phòng chống thiên tai, kịp thời xử lý thông tin theo thẩm quyền. Đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập, chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Tăng cường chỉ đạo hướng dẫn chuyển dịch mùa vụ trồng rừng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2024.

Vụ Mùa – Hè Thu năm nay, huyện Kim Bôi phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 6.573 ha, bằng 99,2% cùng kỳ. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, huyện yêu cầu cần tập trung triển khai nghiêm túc, kịp thời các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ cây trồng.

Đối với cây lúa, cần sử dụng tối đa giống ngắn ngày, tập trung gieo cấy theo đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời vụ. Tập trung mở rộng diện tích lúa trà sớm, chính vụ bằng các giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng thích ứng, lựa chọn 02 - 03 giống chủ lực cho từng vùng; chủ động phòng chống sâu bệnh, đặc biệt bệnh lùn sọc đen gây hại. Hạn chế sử dụng các giống nhiễm ở các khu vực thường xuyên nhiễm sâu bệnh. Đặc biệt, những khu vực, cánh đồng thường xuất hiện bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn hạn chế dùng những giống mẫn cảm với bệnh như: Nhị ưu 838, TH3-3, TH3-4 ... có thể thay thế bằng các giống lúa mới, có khả năng chống chịu bệnh bạc lá khá cao như: Việt lai 20, N.ưu 69 ... Chủ động áp dụng các biện pháp xử lý hạt giống, cày lật gốc rạ, phòng trừ rầy trên mạ để quản lý tốt bệnh lùn sọc đen. Tập trung vào các giống: Thiên ưu 8, Nhị ưu 838, TBR36, Việt lai 20, Khang dân, TBR225, BC15-II (kháng đạo ôn), Nhị ưu 69, Kim Cương 111, VNR 20, TBR 1, Đông A1, Nếp, J02, Đài thơm 8 ...

Bón đủ phân hữu cơ hoai mục (phân chuồng, phân xanh). Nếu thiếu hoặc không có phải thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh. Toàn bộ phân hữu cơ hoai mục (hoặc thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh), phân lân, vôi bột nên trộn đều, rồi ủ vài ngày trước khi bón để tăng hiệu quả sử dụng phân. Bón thúc sớm theo phương châm "nặng đầu, nhẹ cuối". Đối với những chân ruộng chua, lầy thụt cần bón thêm vôi. Để tăng hiệu quả sử dụng phân bón cần bón thúc để lúa đẻ nhánh và phân hoá đòng. Đối với cây màu như cây ngô, cây lạc, đậu tương, cần lựa chọn các giống có tiềm năng năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh; thực hiện gieo hạt đúng thời vụ quy định.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển các loại vật nuôi chủ lực, phấn đấu tăng tổng đàn gia súc, gia cầm 02 - 03%. Tăng cường công tác quản lý thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, phòng chống đói rét, dịch bệnh, chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc gia cầm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu bò; Phấn đấu 80% đàn gia súc được tiêm phòng các loại vắc xin, phun khử trùng tiêu độc 100% diện tích chuồng trại. Tiếp tục duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản 160 ha, chỉ đạo thực hiện tốt vệ sinh ao nuôi, chuẩn bị đủ lượng cá giống phục vụ nuôi thả cá của các địa phương, phòng và chống bệnh cho cá. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân, các chủ rừng thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ và phát triển rừng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng, rừng tự nhiên, thực hiện phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Duy trì độ che phủ rừng 50%.

Tăng cường kiểm tra các công trình thuỷ lợi, đảm bảo an toàn cho các công trình; tích nước, điều tiết nước hợp lý đảm bảo đủ nước cung cấp cho lúa, cây mầu và sinh hoạt của nhân dân; tổ chức tốt việc thường trực phòng chống lũ bão, kịp thời xử lý thông tin theo thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kênh mương, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng đảm bảo thời gian, chất lượng; chủ động phòng, chống hạn; chủ động ứng phó thiên tai; chủ động triển khai chiến dịch toàn dân làm thủy lợi tháng 11/2024./.