DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Kiên cố hóa kênh mương- tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững

01/07/2014 00:00
Chương trình kiên cố hoá kênh mương (KCHKM) được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hoà Bình từ năm 2000 và đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ chương trình KCHKM mà từng bước diện mạo hạ tầng ngành thủy lợi thay đổi theo hướng tích cực, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Hệ thống kênh mương tại xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

 Trước đây và cả hiện nay ở nhiều nơi, tập quán canh tác lạc hậu đã ăn sâu vào suy nghĩ và cách làm của người nông dân. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi phục vụ việc dự trữ, chủ động nước tưới cho sản xuất nông nghiệp còn thiếu hoặc xuống cấp. Tình trạng trên dẫn tới việc năng suất, sản lượng nông nghiệp bấp bênh, đời sống nông dân gặp phải không ít khó khăn, nhiều hộ loay hoay với bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, tuy nhiên vẫn không đạt hiệu quả cao.

Ngày 13/6/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 66/2000 về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình KCHKM. Trong đó khẳng định: Nhà nước khuyến khích các địa phương huy động mọi nguồn lực và tạo cơ chế thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc KCHKM các công trình thuỷ lợi. Về phía tỉnh Hòa Bình,  ngay sau đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 30/2001/QĐ-UB ngày 10/7/2001, kèm theo Quy định về cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện chương trình KCHKM. Nội dung nêu rõ: Chương trình KCHKM thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó Nhà nước đầu tư vật tư xây dựng và nhân công kỹ thuật, nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp bằng ngày công lao động phổ thông để thực hiện các công việc như đào đắp đất, trung chuyển vật liệu, vật tư xây dựng... Giá trị do nhân dân đóng góp khoảng 20% tổng dự toán công trình. Cuối năm 2002, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1975/QĐ-UB về việc phê duyệt Dự án tổng thể KCHKM tỉnh HB giai đoạn 2000 - 2005. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu chiến lược của dự án: Nhằm kế hoạch hoá đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch thuỷ lợi giai đoạn 2000 - 2015 của tỉnh, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nông dân.

Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào làm thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương nội đồng đã được các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện quan tâm, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đầu tư cho thủy lợi đã phát huy được hiệu quả tích cực. Thực hiện chương trình KCHKM từ năm 2000 đến nay, cùng với lồng ghép các chương trình, dự án và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tới nay tỉnh Hòa Bình đã kiên cố hóa được 1.100/3.019 km, riêng trong năm 2013 đã thực hiện kiên cố hóa mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh mương được 563km; cải tạo nâng cấp 177 công trình thủy lợi; tổng kinh phí đầu tư cho thủy lợi trên 163 tỷ đồng, xét về tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tới hết năm 2013 đã có 53/191 xã đạt tiêu chí về thủy lợi. Hệ thống thủy lợi ở khu vực nông thôn được ưu tiên đầu tư nâng cấp, làm mới đảm bảo tưới cho trên 70% diện tích sản xuất. Việc KCHKM, nâng cấp các công trình thủy lợi đã từng bước đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Nhiều cơ sở hạ tầng nông thôn được đưa vào phục vụ đời sống và sản xuất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vì thế trong nhiều năm qua, trước tình hình diễn biến thời tiết thất thường, nhiều dịch bệnh phát sinh tuy nhiên sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn giữ mức ổn định và có bước tăng trưởng, đảm bảo an ninh lương thực.

Xã Tòng Đậu của huyện vùng cao Mai Châu, chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng do hệ thống thuỷ lợi đã xuống cấp nên năng suất và sản lượng cây trồng không cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2011 xã đầu tư xây dựng mương tưới tiêu từ Mỏ Cha đến cánh đồng Cha Long dài 715m trong đó làm mới 315m và nâng cấp 400m, trong đó nguồn vốn NTM là 300 triệu đồng, nhân dân đóng góp 30 triệu đồng. Anh Lò Văn Yên, trưởng xóm Cha Long cho biết: Xóm có tổng diện tích sản xuất 10 ha, do khó khăn về nguồn nước, trước đây xóm chỉ làm được 1 vụ mùa, bỏ trống đất vụ chiêm. Nay, hệ thống kênh mương nội đồng hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa tiềm năng đất đai để cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Xã Tòng Đậu chỉ là một trong điển hình minh chứng cho thấy hiệu quả của kiên cố hóa kênh mương, phát triển hệ thống thủy lợi, bảo đảm sản xuất. Chủ trương đúng đắn, kịp thời, thiết thực và hợp lòng dân của chương trình KCHKM đã tạo động lực quan trọng cho kinh tế nông nghiệp, là cơ sở cho sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với một tỉnh miền núi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao như tỉnh Hòa Bình.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào KCHKM, phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả và từng bước mở rộng thêm diện tích đất sản xuất, nhất là diện tích đất sản xuất tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về hệ thống hồ chứa, thủy lợi, rất cần sự quan tâm, đầu tư của các ngành từ tỉnh tới Trung ương. Bên cạnh đó, trong những năm tới tỉnh Hòa Bình tiếp tục chủ động, tranh thủ và lồng ghép các nguồn vốn sản xuất nông nghiệp và phát triển nông nghiệp- nông thôn. Phát huy sức mạnh chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động nội lực nhân dân, thực hiện KCHKM cùng với tiến trình xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh hiệu quả các nguồn vốn, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi./.