Đối với tỉnh Hòa Bình, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, ngành NN&PTNT tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; triển khai thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ cắt giảm chi phí cho DN trên địa bàn tỉnh; thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh có 656 dự án còn hiệu lực hoạt động; trong đó có 55 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 8,4% tổng số dự án trên địa bàn tỉnh) với tổng vốn đăng ký đạt 5.663 tỷ đồng. Có 39 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, 13 dự án đầu tư trồng rừng và 03 dự án đầu tư trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đều là các dự án đầu tư trong nước.
Trong 10 năm qua, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở đã thực hiện hỗ trợ 84 doanh nghiệp/HTX và hơn 500 hộ sản xuất áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. giới thiệu 120 lượt DN, HTX tham gia các hội chợ, diễn đàn, phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn và tuần lễ nhận diện nông sản an toàn tổ chức tại các tỉnh, thành phố. Nhờ đó, các DN, doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng nâng cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội…thể hiện rõ trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sở đã tạo điều kiện, là cầu nối để xúc tiến, kết nối cho các DN, HTX tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và ký kết các hợp đồng ổn định, bao tiêu nông sản, giúp người dân ổn định sản xuất. Hiện đã có 40 HTX tham gia vào các mô hình liên kết được hỗ trợ tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cấp tỉnh Hòa Bình, với 200 sản phẩm được quảng bá và giới thiệu trên hệ thống. Có 50 đơn vị được cập nhật, đăng thông tin trong danh sách Chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên website của cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của Bộ NN&PTNT. Hiện có hàng trăm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản thế mạnh của tỉnh từ các HTX sản xuất ra đã được bày bán tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch…tạo được uy tín và được người tiêu dùng tin tưởng, tiêu thụ tốt. Tiêu biểu như: Cam Cao Phong bán tại Siêu thị Big C, Hapro Mart; Bưởi đỏ Tân Lạc bán trong hệ thống siêu thị BigC, T Mart, TTTM V+; Cá sông Đà bán trong siêu thị Big C, Winmart, Qmart, Coop Mart, Lotte…..
Cùng với đó, ngành tích cực triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, doanh nhân trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến và tại đơn vị đều được giải quyết đúng quy định; các thông tin quy hoạch, chỉ đạo điều hành, mời thầu được niêm yết công khai, đúng quy định.
Thực tiễn cho thấy hiệu quả tích cực của việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Sự tham gia của DN, doanh nhân vào đầu tư, sản xuất nông nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp một cách rõ nét: năng suất và chất lượng nông sản ngày càng nâng cao; giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị canh tác tăng, cụ thể: đến năm 2020, giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đất trồng trọt đã đạt 140 triệu đồng, tăng 36 triệu đồng/ha so với năm 2015; tốc độ tăng thu nhập từ nuôi trồng thủy sản 9,71%/năm; giá trị thu nhập trên 1 ha rừng sản xuất tăng trung bình 5,16 %/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi đạt trung bình 5,1 %/năm. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển mạnh mẽ, rõ nét theo hướng sản xuất hàng hoá qui mô lớn, gắn với tín hiệu thị trường, tiên tiến hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững./.