DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Không ngừng nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong

04/12/2018 00:00
Cam Cao Phong là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình và là nông sản đầu tiên của tỉnh được cấp Chỉ dẫn địa lý. Với hương vị thơm, ngọt đặc trưng, an toàn với sức khỏe người sử dụng, trong những năm qua, sản phẩm cam Cao Phong đã được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Bên cạnh việc giữ gìn và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, việc bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Cao Phong luôn được tỉnh, huyện đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc nhân rộng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP đã và đang tạo sự phát triển ổn định và bền vững cho thương hiệu cam Cao Phong.
3,5 ha cam của gia đình anh Trần Văn Quảng, khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng.

3,5 ha cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Trần Văn Quảng, khu 3, thị trấn Cao Phong dự kiến thu hoạch 250 tấn quả, sản lượng tăng gấp đôi so với niên vụ trước. Từ việc thí điểm trồng 0,5 ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, 100% diện tích trồng cam của gia đình anh đã được sản xuất theo quy trình sạch và bảo vệ môi trường. Anh Quảng chia sẻ: Cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tỷ lệ đậu quả sẽ cao hơn. Quả to, đẹp, ít sâu bệnh. Giá bán cũng cao hơn so với cam trồng thông thường. Hiện, gia đình nhà tôi, cam bán buôn tại vườn đã là 28.000 đ/ kg.

            Còn với gia đình ông Tạ Đình Đào, khu 5B, thị trấn Cao Phong bắt đầu trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2014. Hơn 6 ha cam của gia đình ông được trồng, chăm sóc đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất cam sạch. Ông đã dành kinh phí hơn 600 triệu đồng để đầu tư nguồn nước, cải tạo đất sạch, chăm sóc, bón phân theo quy trình sản xuất sạch, bền vững. Chất lượng cam từ đó không ngừng được nâng lên. Đánh giá cảm quan cho thấy, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có vị ngọt, thơm mát và quan trọng là an toàn tuyệt đối khi sử dụng.

            Đồng chí Bùi Văn Đồng, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Nhờ nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, huyện Cao Phong đã có 350 hộ với gần 610 ha cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tăng gần 340 hộ và hơn 560 ha so với năm 2014 khi mới bắt đầu triển khai, thực hiện. 100% diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP trên đều được sử dụng chế phẩm sinh học an toàn và thân thiện với môi trường. Cùng với việc quản lý tốt quy trình sản xuất, chăm sóc cây từ phân bón đến phòng trừ sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ, huyện từng bước phấn đấu mở rộng diện tích chứng nhận VietGAP, tiến tới GlobalGAP.

            Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho 4 giống cam: lòng vàng, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh được trồng trên địa bàn thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Thu Phong. Năm 2018, huyện Cao Phong đang có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho giống cam V2 của địa phương.

            Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, thời gian qua, địa phương cũng rất chú trọng tới công tác bảo vệ, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Theo đó, huyện  chú trọng sản xuất các loại giống có chất lượng được chọn lựa, bình tuyển từ các cây đầu dòng. Quản lý tốt quy trình sản xuất, chăm sóc, dán tem truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch và in bao bì, nhãn mác đưa sản phẩm cam có thương hiệu đến tay người tiêu dùng một cách rõ ràng, minh bạch, giữ vững và phát triển thương hiệu cam Cao Phong.