Trong những năm vừa qua, huyện Cao Phong đã triển khai nhiều biện pháp, quan tâm, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cao Phong là 21,87%.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành hướng dẫn số 6977/BNN-VPĐP hướng dẫn tạm thời xét công nhận xã đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo năm 2016 - 2017 trong chương trình xây dựng NTM. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2016 chỉ tiêu chung của cả nước là 30 triệu đồng, khu vực trung du miền núi phía Bắc (trong đó có tỉnh Hòa Bình) là 22 triệu đồng; năm 2017 tăng lần lượt là 34 triệu đồng và 26 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 - 2017 chỉ tiêu chung của cả nước là dưới 6%, khu vực trung du miền núi phía Bắc (trong đó có tỉnh Hòa Bình) là 12%. Theo hướng dẫn mới này, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo tại các xã trên địa bàn huyện Cao Phong nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung là một thách thức rất lớn.
Năm 2016, thu nhập bình quân tính theo đầu người của toàn huyện là 32,8 triệu đồng. Đối với một huyện miền núi, phát triển nông nghiệp chất lượng cao thì đây vẫn còn là con số khiêm tốn. Tuy nhiên, ở các xã vùng ĐBKK thu nhập bình quân chỉ dừng lại ở mức trên 10 triệu đồng/ người/ năm. Căn cứ vào kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016, toàn huyện còn 2.397 hộ nghèo và 1.328 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ lần lượt là 21,87% và 12,12%. Xã Yên Lập là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn huyện với 281 hộ, 1.180 khẩu, chiếm tỷ lệ 54,46%. Trong khi đó, xã Yên Thượng lại là địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo cao nhất với 131 hộ, 544 khẩu, chiểm tỷ lệ 21,8%. Đây cũng là bài toán đầy khó khăn đối với địa phương trong thời gian tới.
Cách trung tâm huyện lỵ hơn 4 km, xã Đông Phong có nhiều thuận lợi trong phát triển KT-XH nói chung và thực hiện 19 tiêu chí trong xây dựng NTM nói riêng. Xã hiện đã đạt 14 trong tổng số 19 tiêu chí. Trong 5 tiêu chí còn lại, 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là một khó khăn, thách thức không nhỏ đối với Đảng bộ, chính quyền xã trong lộ trình về đích NTM. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song đến nay, toàn xã vẫn còn 68 hộ nghèo, 277 khẩu nghèo, chiếm tỷ lệ 13,52%; 86 hộ cận nghèo, 347 khẩu nghèo, chiếm tỷ lệ 17,1%. Thu nhập bình quân tính theo đầu người năm 2016 của xã là 24 triệu đồng.
Với các xã vùng thuận lợi việc đạt được 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo đã khó, các xã vùng khó khăn việc đó còn gian nan gấp bội. Xuân Phong là một trong những xã như vậy. Cùng với cả nước, xã đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong xây dựng NTM. Đến nay, xã đã đạt 9/19 tiêu chí. Cũng như phần đa các xã trên địa bàn huyện, xã Xuân Phong vẫn còn nhiều gian nan trong thực hiện 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 là 15 triệu đồng, dự kiến đến cuối năm nay phấn đấu đạt 18 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn ở mức cao 52,66%, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nó lại phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết khiến đời sống của người dân còn nhiều bấp bênh.
Mục tiêu đến năm 2020, huyện Cao Phong phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu này, huyện đang tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ để giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo và hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đã xác định mục tiêu mỗi năm giảm ít nhất 3% tỷ lệ hộ nghèo. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Ưu tiên tập trung các nguồn lực, các dự án vào các xã, các xóm ĐBKK. Thực hiện tốt hoạt động cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách với lãi suất ưu đãi để bà con có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển kinh tế hộ gia đình. Chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và quan tâm đến các chính sách bảo trợ xã hội, đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong chia sẻ.
Tuy nhiên, để các giải pháp trên phát huy được hiệu quả cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương bản thân mỗi người dân cũng phải tự thay đổi nhận thức tránh trông chờ, ỷ lại mà cần mạnh dạn, năng động trong phát triển kinh tế. Có như vậy, việc thực hiện 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cao Phong mới có thể hoàn thành như mục tiêu đã đề ra./.