DetailController

Thông tin về Chiến lược, định hướng

Kết quả triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 về hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025

25/07/2024 16:30
Giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; nhất là đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đà Bắc được hỗ trợ sản xuất từ Chương trình giảm nghèo với mô hình sản xuất chăn nuôi dê

Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 bình quân mỗi năm từ 2,5-3%. Đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Phấn đấu 01 huyện nghèo (huyện Đà Bắc) thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3 Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 83 dự án (Sở NN&PTNT thực hiện 05 dự án; các huyện, TP: Mai Châu 12 dự án; Đà Bắc 18 dự án; Lạc Sơn 25 dự án; Yên Thủy 02 dự án; Kim Bôi 07 dự án; Lạc Thủy 03 dự án; Tân Lạc 03 dự án; Cao Phong 03 dự án; TP Hòa Bình 05 dự án) bao gồm: 25 dự án trồng trọt, hỗ trợ nông cụ và 57 dự án chăn nuôi, 01 dự án lĩnh vực lâm nghiệp. Tổng số đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh là 3.189 hộ, thuộc đối tượng hộ gia đình nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ yếu hỗ trợ con giống chăn nuôi, hỗ trợ nông cụ phục vụ sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình như: chăn nuôi bò lai Sind sinh sản, chăn nuôi dê, máy nông nghiệp và bình phun thuốc bảo vệ thực vật... Năm 2024, các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đang xây dựng các dự án và phê duyệt các dự án, dự kiến đến 31/12 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Nguồn vốn được cấp giai đoạn 2022-2024 là 47.133 triệu đồng trong đó: Ngân sách trung ương là 47.093 triệu đồng; Ngân sách địa phương 40 triệu đồng. Đến ngày 15/6/2024 giải ngân được 9.801 triệu đồng (ngân sách trung ương).

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 3158/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 (số liệu đầu kỳ rà soát cuối năm 2021) thì tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 26,14% trong đó: Hộ nghèo: 34.029 hộ, chiếm tỷ lệ 15,49% so số hộ toàn tỉnh; Hộ cận nghèo: 23.388 hộ, chiếm tỷ lệ 10,65% so số hộ toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 được phê duyệt tại Quyết định số 2977/QĐ-UBND ngày 20/12/2023 của UBND tỉnh thì tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 18,12% trong đó: Số hộ nghèo giảm còn 20.306 hộ, chiếm tỷ lệ 9,2 %; Hộ cận nghèo: 19.692 hộ chiếm tỷ lệ 8,92% so với tổng số hộ dân trên địa bàn. Kế hoạch năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm là 2,3-2,5%. Như vậy bình quân giai đoạn 2022-2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,86% đạt Kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 20,08% (số liệu đầu kỳ rà soát cuối năm 2021) xuống còn 11,99% cuối năm 2023. Kế hoạch năm 2024 giảm từ 2,5-3% như vậy bình quân giai đoạn 2022-2024 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân giảm trên 5% đạt và vượt kế hoạch đề ra. 100% hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện nhu cầu đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 17/11/2022 của UBND tỉnh, thực hỗ trợ huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khẳng định phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đối tượng trọng tâm trong Chương trình là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng khó khăn và địa bàn huyện nghèo; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; các dự án, hoạt động của Chương trình đều hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

UBND các cấp, các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt; tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành văn bản quản lý điều hành làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo quy định. Các địa phương đã thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ và sự tham gia giám sát của cộng đồng, giám sát của người dân trong triển khai thực hiện Chương trình. Phát huy vai trò của Ban Giám sát xã thông qua việc giám sát thực hiện từng công trình, dự án cụ thể được thực hiện tại địa phương. Các nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình được ưu tiên và cấp phát đầy đủ, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch được giao và phát huy được hiệu quả nguồn vốn.

Đã cơ bản thực hiện tốt việc huy động xã hội hóa nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được thường xuyên quan tâm vận động từ các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... đồng thời lồng ghép với nguồn lực từ nhiều Chương trình, dự án khác (góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn cụ thể. Tỉnh Hòa Bình đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo thông qua việc thực hiện các cuộc vận động, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, Chương trình “Tết vì người nghèo”; Phong trào thi đua “Vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, Phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025…./.