Ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT đã cụ thể hóa 7 nhóm giải pháp chủ yếu, 6 chương trình ưu tiên phát triển thông qua xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành cho 5 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Đôn đốc các địa phương xây dựng đề án tái cơ cấu ngành trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm lợi thế. Chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực như: Cam, bưởi đỏ, mía, nhãn hương chi, Su su, tỏi tía, gà đồi, lợn bản địa, cá vùng hồ. Nhờ vậy, ngành đã từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị tăng cao và hiệu quả.
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá cố định năm 2010) đạt 3.081 tỷ đồng, vượt 3,84% so với cùng kỳ, đạt 47,2% so với kế hoạch năm 2016. Tái cơ cấu trồng trọt được các địa phương quan tâm thực hiện theo hướng phát triển các sản phẩm có lợi thế nhất là cây có múi, chuyển đổi mía tím sang trồng mía ép nước, phát triển trồng rau an toàn; chuyển 500ha đất trồng lúa sang trồng các loại rau, hoa màu có giá trị kinh tế cao và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường như: Bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột. Một số địa phương làm tốt như như Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Các mô hình chuyển đổi ở đây cho hiệu quả khá như: mô hình trồng dưa chuột cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ; lặc lày, bí xanh cho thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi cũng được tái cơ cấu theo hướng phát triển chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp lợn và gia cầm, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc. Do đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp theo giá cố định năm 2010 đạt 68,8% kế hoạch năm.
Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp (theo giá cố định 2010) đạt 455 tỷ đồng, vượt 6,4% so với cùng kỳ, đạt 47,7% kế hoạch năm. Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển trồng cây gỗ lớn, cây bản địa được quan tâm. Các địa phương đã tích cực chuẩn bị vật tư, vật biệu sản xuất giống cây lâm nghiệp. Theo đó, thực hiện trồng 230 nghìn cây phân tán các loại; gieo ươm trên 8 triệu cây giống các loại. Đến hết tháng 6, trồng được trên 4,5 nghìn ha rừng, đạt 56% kế hoạch. Công tác bảo vệ rừng được tăng cường, không để xảy ra hiện tượng cháy rừng.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển chăn nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ được các địa phương quan tâm thực hiện. Số lồng cá nuôi trên Hồ thủy điện tăng mạnh. Hiện có 17 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nuôi 1,5 nghìn lồng cá, trong đó, số lồng nuôi mới trong năm đạt 450 lồng. Toàn tỉnh hiện có 2,65 nghìn ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản; 2,8 nghìn lồng cá. Sản lượng ước đạt 3,5 nghìn tấn. Trong đó, khai thác 850 nghìn tấn, nuôi trồng 2,65 nghìn tấn. Đưa giá trị sản xuất ngành Thủy sản đạt 89,2 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm đạt 48 tỷ đồng, vượt 12% so với cùng kỳ, đạt 38% kế hoạch năm
Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 31 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 16,23%. Bình quân mỗi xã có 11,77 tiêu chí; Hiện có 15 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; 92 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 53 xã đạt 5 – 9 tiêu chí; 12 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016 đang đạt bình quân 14,41 tiêu chí/xã.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song một số hạn chế còn tồn tại như: diện tích gieo trồng lúa còn cao; việc chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng những sản phẩm có giá trị kinh tế cao chưa quyết liệt. Một số địa phương chưa xác định được tiềm năng thế mạnh; tiến độ xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm; mối liên hệ giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ ở quy mô nhỏ. Sản phẩm tiêu thụ hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào tư thương. Điều đó đặt ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm cho ngành Nông nghiệp trong việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu. Trước mắt là chỉ đạo sản xuất vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông năm 2016. Trong đó, tập trung chăm sóc cây có múi, mở rộng diện tích gieo trồng rau an toàn, nhất là trong vụ đông. Đồng thời, tăng tổng đàn trâu, bò và sản lượng thịt nuôi từ lợn và gia cầm; phát triển các vật nuôi chủ lực có lợi thế của tỉnh. Phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2,65 nghìn ha, nuôi mới 550 lồng cá, chăm sóc 3,3 nghìn lồng nuôi. Riêng công tác phát triển rừng, ngành phấn đấu trồng mới 8 nghìn ha, duy trì ổn định độ che phủ rừng. Đến hết năm 2016, phấn đấu hỗ trợ và đưa 12 xã đăng ký về đích nông thôn mới hoàn thành tiến độ.