Năm 2013, tổng diện tích bưởi đỏ, bưởi da xanh toàn huyện là 109 ha; đến năm 2015, diện tích bưởi là 558 tăng 509% so với năm 2013, vượt 358 ha so với mục tiêu Nghị quyết, trong đó diện tích trồng mới trên 300 ha. Trong giai đoạn 2015 – 2019: Tổng diện tích trồng bưởi là trên 1.066 ha, tăng 191%, vượt 508 ha so với 2015; so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020, đạt 194%, vượt 516 ha. Trong đó diện tích cho thu hoạch là 695 ha, diện tích trồng từ 1 đến 3 là 351 ha diện tích trồng mới là hơn 20 ha.
Qua thực tiễn cho thấy sản phẩm bưởi đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị sản xuất cao. Năng suất cây bưởi bình quân 120 quả/cây, mật độ bình quân 300 cây/ha; sản lượng 36.000 quả/ha, tương đương với 30 tấn/ha, giá bán bình quân 20.000 đồng/quả, giá trị sản phẩm đạt 720 triệu/ha, cá biệt có hộ trồng bưởi cho thu hoạch đạt trên 1 tỷ đồng/ha. Cây bưởi đã góp phần quan trọng về phát triển kinh tế cho người dân, từ những khu vườn tạp, đất đai khô cằn, nhiều hộ gia đình đã biết cải tạo, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên để trồng cây bưởi. Nhiều hộ gia đình đã cải tạo đất để đầu tư trồng bưởi theo hướng thâm canh, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu cao của thị trường. Diện tích trồng bưởi tăng rất nhanh, tập trung nhiều nhất ở các xã vùng dọc Quốc lộ 12B và Quốc lộ 6; một số xã đã phát triển nhanh, có diện tích trồng bưởi lớn như: Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phong Phú. Bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực, mũi nhọn đem lại thu nhập cao, góp phần vào việc giảm nghèo bền vững. …Đến nay, diện tích trồng bưởi của người dân đã cơ bản ổn định, người dân chuyển sang tập trung áp dụng khoa học- kỹ thuật để chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi cho thu hoạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; đồng thời, rà soát, thay thế diện tích bưởi đã trồng không có hiệu quả do sâu, bệnh, chất lượng giống không đảm bảo.
Từ kết quả thực hiện Nghị quyết số 10 của huyện Tân Lạc, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển bưởi đỏ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và có cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt trong toàn tỉnh; công nhận mô hình sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh huyện Tân Lạc là mô hình điển hình tiên tiến để triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh.
Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 10 đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp từ trước đến nay. Diện tích trồng bưởi tăng nhanh, từ 109 ha năm 2013 lên 1.066 ha năm 2019, tăng 957 ha so với thời điểm mới ban hành Nghị quyết; việc trồng bưởi của người dân đã bám sát quy hoạch, kế hoạch của huyện, tập trung chủ yếu tại các xã vùng thấp, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Sản phẩm bưởi sau thu hoạch đã phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài huyện, tỉnh, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển sản xuất bưởi đã tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu từ cây bưởi, cải thiện môi trường sinh thái và tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên việc phát triển diện tích trồng bưởi với tốc độ nhanh chưa quản lý, kiểm soát kịp thời đã gây ảnh hưởng tới quy hoạch chung. Chất lượng bưởi thu hoạch của một số hộ dân chất lượng chưa cao. Việc thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực liên kết chuỗi sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bưởi với người dân thực hiện chưa tốt.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 10, thời gian tới huyện tăng cường rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, phổ biến về quy hoạch cây có múi tới người dân. Xác định phát triển sản xuất bưởi gắn với công tác bảo quản, dịch vụ và thị trường tiêu thụ; đảm bảo quy hoạch trồng bưởi với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh bưởi, từng bước nâng cao chất lượng bưởi để phục vụ tốt hơn nhu cầu của thị trường./.