Từ khi có Nghị quyết, phong trào nuôi cá lồng trên vùng hồ phát triển khá nhanh, số lượng lồng cá nuôi được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đa số các lồng nuôi cá hiện nay đều được làm theo công nghệ mới, lồng lưới khung sắt với thể tích đạt 70- 100m3/lồng đã thay thế dần các lồng bương tre. Hộ tham gia nuôi trồng đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Quy mô và đối tượng nuôi chuyển dần từ nhỏ lẻ, nhiều chủng loại sang sản xuất tập trung sản phẩm có lợi thế, giá trị cao. Đa dạng về hình thức sản xuất và các thành phần kinh tế, tham gia ngày càng sâu rộng vào sản xuất nuôi trồng thủy sản đã khuyến khích nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện phát triển mạnh. Số lồng nuôi cá trên Hồ Hòa Bình đã đạt 4,25 nghìn, tăng 3,58 nghìn so với năm 2013 và tăng 1,93 nghìn lồng (bằng 183,43%) so với năm 2015; so với mục tiêu đến năm 2020 đã vượt 21,43%. Việc phát triển và đóng mới đã giúp thay thế hơn 1.000 lồng tạm, lồng bương tre,… bằng lồng cải tiến có khung thép, phao nổi vững chắc. Sản lượng năm 2018 đã đạt 6,6 nghìn tấn, tăng gấp 2,28 lần sản lượng nuôi và khai thác năm 2015, vượt 17,86% so với mục tiêu năm 2020. Giá trị sản xuất theo giá so sánh ngành thủy sản năm 2018 đạt 254 tỷ đồng, tăng 65% so với trước khi ban hành Nghị quyết; theo giá hiện hành nuôi trồng thủy sản đạt 560 tỷ đồng, chiếm 77% giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng 24% so với trước khi ban hành Nghị quyết. Thu nhập bình quân 1 lồng nuôi 50m3 từ 50-70 triệu đồng/năm, tương đương giá trị thu được của 0,5 ha nuôi ao nước tĩnh; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 197 triệu đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2013. Đã tổ chức 45 lớp dạy nghề nuôi cá lồng cho 1.500 lượt lao động nông thôn trên vùng hồ, hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 2.000 lượt nông dân. Phát triển nuôi cá vùng hồ đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động, vượt 2,2 nghìn lao động so với mục tiêu Nghị quyết. Như vậy, sau 5 năm thực hiện, các mục tiêu đều vượt so với Nghị quyết đề ra. Có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà tại Hà Nội, tương ứng hơn 500 lồng nuôi. Một dự án lớn của Công ty cổ phần Tập đoàn Marvin đang triển khai dự án nuôi cá Diêu hồng và Rô phi ứng dụng công nghệ cao 100 lồng (2.000m3/lồng)/100 ha mặt nước với sản lượng 10 nghìn tấn/năm, đến nay đã có 13 lồng nuôi sản lượng 1,3 nghìn tấn, dự kiến đến 2020 có 50 lồng đi vào hoạt động, xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu và trung tâm giống chất lượng cao cho khu vực. Tổng sản lượng nuôi trồng ước tính đến năm 2020 đạt trên 12 nghìn tấn/năm; năm 2025 đạt 20 nghìn tấn/năm.
Trong thời gian từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục mở rộng vùng nuôi trồng tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; chứng nhận lồng nuôi đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, truy xuất nguồn gốc, quảng bá và xúc tiến thương mại. Phấn đấu số lồng nuôi cá trên hồ đạt trên 4,5 nghìn lồng, sản lượng nuôi trồng trên 12 nghìn tấn, tạo việc làm cho 5 nghìn lao động. Có 20% số lồng tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Từ năm 2021 đến 2025, tiếp tục mở rộng vùng nuôi trồng tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung chứng nhận lồng nuôi đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, truy xuất nguồn gốc, quảng bá và xúc tiến thương mại; Khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tham gia phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm hướng đến xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025, số lồng nuôi cá trên hồ đạt trên 5,5 nghìn lồng, sản lượng nuôi trồng trên 20 nghìn tấn, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động; 50% số lồng tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; 50% sản lượng cá nuôi lồng được chế biến phục vụ xuất khẩu.