Trong 5 năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã gắn chương trình đào tạo với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh, đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có tay nghề cao. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn triển thực hiện, như: chính sách về miễn giảm học phí, nội trú, hỗ trợ học nghề sơ cấp, chính sách cho người học sau tốt nghiệp; văn bản chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp với các đơn vị đào tạo ngoài tỉnh triển khai liên kết đào tạo nhiều ngành học; tạo điều kiện cho các đơn vị tham dự các hội giảng nhà giáo, hội thi tay nghề quốc gia, hội thi thiết bị tự làm… Trên cơ sở các đề án, dự án về đổi mới, phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để xác định những ngành nghề mũi nhọn trong đào tạo nghề: quản trị mạng máy tính, công nghệ ô tô, hướng dẫn viên du lịch. Đồng thời, lựa chọn 5 trường cao đẳng với các ngành nghề: hàn, vận hành máy thi công nền, nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, chăn nuôi thú y, công nghệ may và thời trang, quản trị mạng máy tính, hướng dẫn du lịch, điện công nghiệp, vận hành nhà máy thủy điện… để đào tạo trọng điểm. Giai đoạn từ năm 2014-2018, toàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện tự kiểm định chất lượng đào tạo. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 34 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với quy mô hằng năm đào tạo khoảng 15 đến 16 ngàn lao động.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm phối hợp với các doanh nghiệp, rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ mới, đào tạo theo đơn đặt hàng phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra. Đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp, trong giai đoạn 2014 - 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo nghề cho gần 80 nghìn lao động theo các trình độ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 đạt 53,3%, tăng 12,3% so với năm 2014. Một số cơ sở đào tạo đã triển khai ký hợp đồng đào tạo nghề trọng điểm theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 670 giáo viên đào tạo nghề, trong đó có 06 tiến sĩ và tương đương, 83 thạc sĩ, 360 đại học và các giáo viên có trình độ cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật… Nhìn chung chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ bản đảm bảo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giảng dạy, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp huy động được các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, nghệ nhân tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư tham gia đào tạo nghề.
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án đầu tư ngành nghề trọng điểm quốc gia, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất đối với 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện, về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp hiện nay. UBND tỉnh có quy định về việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình, trong 02 năm (2017-2018) tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.541 lao động tại 03 doanh nghiệp. Ngoài ra, các chương trình khác đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 754 lao động nghề may công nghiệp; 200 lao động nghề thêu dệt thổ cẩm; 250 lao động nghề chổi chít, mây tre đan xuất khẩu… Tỉnh Hòa Bình chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên, đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.
Bên canh những kết quả đạt được, còn không ít những khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao của tỉnh, như: Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chưa cân đối về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề; lao động qua đào tạo và đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao còn ít, chưa đáp ứng được trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; tuyển sinh cho đào tạo nghề trình độ cao đẳng và trung cấp còn thấp, chiếm hơn 10%, trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm tới hơn 80%. Việc triển khai xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp chậm, các cơ sở ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa sát với nhu cầu thực tiễn; đội ngũ giáo viên thiếu và yếu; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đào tạo còn hạn chế; cơ sở vật chất của các trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Học viên sau khi tốt nghiệp nghề còn yếu về các kỹ năng mềm, như: tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo nhóm, kỹ năng khởi nghiệp…