DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh

15/06/2018 00:00
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp của tỉnh phát triển tương đối toàn diện và liên tục duy trì tăng trưởng khá. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp mới cả về chiều rộng và chiều sâu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn tiếp tục được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, địa phương, công tác rà soát quy hoạch được thực hiện tốt. Đến nay đã phê duyệt 17 dự án quy hoạch ngành, lĩnh vực, gần 30 Chương trình, đề án, dự án phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi,... Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa”, tổ chức các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp được một số địa phương thực hiện tốt như: huyện Yên Thủy; các xã An Bình, Lạc Long, huyện Lạc Thủy… Đến nay, toàn tỉnh đã có 22/191 xã, 7 nghìn hộ gia đình thực hiện dồn điền đổi thửa. Sau dồn điền, đổi thửa nông dân tích cực đầu tư thâm canh, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được cải thiện, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất.

Hằng năm, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng khá; tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,9 - 4,7%; giá trị thu được trên 1 ha canh tác đất trồng trọt từ 45 triệu đồng năm 2008 lên tăng lên 120 triệu đồng năm 2017; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng 21,6% từ năm 2013  đến năm 2017; Độ che phủ rừng tăng 6,6% từ năm 2008 đến nay; chuyển đổi 3 nghìn ha đất quy hoạch trồng lúa, đất trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn như mía, rau an toàn, cây ăn quả có múi, cây nhãn...từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung. Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi tăng 7 nghìn ha so với năm 2008. Trong 3,6 nghìn ha cam có 1,5 nghìn ha diện tích kinh doanh cho thu nhập trung bình 700 triệu đồng/ha/năm, trong 2,9 nghìn ha bưởi có 760 ha diện tích kinh doanh cho thu nhập trung bình 500 triệu đồng/ha/năm; mía tím, mía ép nước trên 6,6 nghìn ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm; Mướp đắng, bí xanh trên 700 ha cho thu nhập trên 120 triệu đồng/vụ. Tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê. Cơ cấu nội ngành chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi lợn và đại gia súc. Đến năm 2017 có 71 cơ sở chăn nuôi gà quy mô lớn; 04 trại gà giống cung cấp 13 triệu trứng giống/năm; 17 trang trại chăn nuôi lợn nái và lợn hậu bị, cung cấp 150 nghìn lợn giống và 20 nghìn lợn hậu bị.

Trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm. Diện tích trồng rừng hằng năm  vượt kế hoạch đề ra; ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa. Diện tích đất lâm nghiệp có rừng 235 nghìn ha,  trong đó rừng đặc dụng 40,5 nghìn ha, rừng phòng hộ 133,2 nghìn ha, rừng sản xuất 166,4 nghìn ha. Hệ thống rừng giống, vườn ươm giống cây lâm nghiệp được cải thiện, đã xây dựng, cải tạo 6 vườn ươm giống, 8 rừng giống. Chú trọng phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình, sản lượng nuôi trồng tăng mạnh, nhất là sản lượng nuôi lồng. Lồng nuôi cá truyền thống được thay thế bằng lồng cải tiến khung sắt, lưới đã phát huy được tiềm năng mặt nước Hồ thủy điện Hòa Bình, hiện có 4 nghìn lồng nuôi cá trên hồ Hòa Bình, tăng 3,9 nghìn lồng so với năm 2008. Hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mô hình đồng quản lý nghề cá trên lưu vực hồ Hòa Bình được thực hiện đã khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2017 là 2,68 nghìn ha, tăng 887 ha so với năm 2008 trong đó tập trung phát triển tại các thủy vực lớn kết hợp khai thác thủy lợi. Trong giai đoạn 2013 - 2017 có gần 400 công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, kiên cố hơn 200 km kênh mương. Hơn 700 ha sản xuất cây các loại áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa có nhiều tiến bộ. Phát triển giao thông nông thôn nhận được sự ủng hộ cao từ phía người dân; nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất. Đến hết năm 2017 đã có 63/191 xã đạt tiêu chí về giao thông. Tỷ lệ trường đạt chuẩn vùng nông thôn tăng. Đến nay, toàn tỉnh  có 217 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 40,1%. Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh có bước phát triển. Môi trường kinh doanh thương mại từng bước được cải thiện. Đến hết năm 2017, có 70 chợ nông thôn nằm trên địa bàn 70 xã, trong đó có 64/70 chợ nông thôn được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, toàn tỉnh có 171/191 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 98 %. Tính đến 31/12/2017, toàn tỉnh có 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới đủ 19 tiêu chí; 26 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 66 xã đạt từ 10-13 tiêu chí; 50 xã đạt từ 7-9 tiêu chí.

Tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn hằng năm tăng thêm khoảng 2,5 triệu đồng/người/năm; năm 2017 đạt 22,6 triệu đồng/người/năm, tăng 6 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2017 giảm 10,38% so với năm 2011. Đến nay đã có 76/191 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ năm 2008 đến năm 2017 tăng 27,5%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ năm 2008 đến năm 2017 tăng 25,56%. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chăm lo, trong đó quan tâm phổ cập giáo dục. Đến hết năm 2017, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 99.4% xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; chất lượng phổ cập được củng cố, duy trì và nâng cao; 99.4% xã đạt tiêu chí về giáo dục và đào tạo.

Các chương trình, chính sách hỗ  trợ vùng đặc biệt khó khăn được tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi của tỉnh. Chương trình 135 được thực hiện lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn như chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm; chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình; chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình phòng, chống một số bệnh nguy hiểm; chương trình văn hoá; chương trình giáo dục và đào tạo; chương trình phòng chống ma tuý và tội phạm. Chú trọng đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Đến hết năm 2017 toàn tỉnh có 148 hợp tác xã nông nghiệp, 137 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 05 Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp thuộc UBND tỉnh quản lý.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn, các địa phương đã tích cực xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng, ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, khuyến khích liên kết, liên doanh theo phương châm “doanh nghiệp hóa, liên kết hóa, xã hội hóa”; vừa đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã... vừa quan tâm phát triển kinh tế hộ; thực hiện một bước “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh thực hiện hơn 1,6 nghìn mô hình phát triển sản xuất như mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, dồn điền đổi thửa phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển trang trại,... trong đó đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả đem lại thu nhập hằng năm cao, ổn định, được nhân rộng điển hình như: trồng rau hữu cơ, chăn nuôi bò sữa, nuôi lợn thương phẩm ở huyện Lương Sơn; dồn điền đổi thửa tại huyện Yên Thủy; chăn nuôi động vật hoang dã, phát triển cây có múi ở huyện Lạc Thủy, Kim Bôi, Cao Phong; nuôi trồng thủy sản ở huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu,... Một số đề tài tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh được xây dựng như chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong, nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho sản phẩm cam Lạc Thủy của huyện Lạc Thủy; xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh như Mía tím Hòa Bình, vải thổ cẩm Mai Châu, Rượu cần Hòa Bình, rau Su Su Tân Lạc, quả Lặc lày và rau hữu cơ Lương Sơn, hạt Dổi Lạc Sơn, nhãn Sơn Thủy, Kim Bôi, Bưởi Đỏ Tân Lạc, cá tôm sông Đà…

Nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, gắn với phát triển dịch vụ, chế biến và xuất khẩu; nông thôn khang trang, sạch đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao. Phấn đấu đến năm 2025, tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản trung bình 4 %/năm; có ít nhất 60% số xã, 3 huyện/thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 2 lần năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 2%/năm. Đến năm 2030, tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản trung bình 3,5%/năm; 80% số xã, 5 huyện/thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2 lần so với năm 2025; Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4% theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; Tăng cường phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; Tiếp tục xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Đổi mới cơ chế chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn; Phát triển khoa học và công nghệ; Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.