DetailController

Trồng trọt

Kết quả sản xuất vụ Hè thu - vụ Mùa năm 2023

15/11/2023 16:30
Theo báo cáo của UBND tỉnh, công tác chỉ đạo sản xuất và thu hoạch lúa Mùa và trồng cây màu vụ Hè thu được thực hiện sớm, tập trung trong khung thời vụ tốt nhất; thời tiết tương đối thuận lợi với nhiệt độ và lượng mưa ổn định, nguồn nước tưới dưỡng được đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản được dự tính, dự báo, phòng trừ kịp thời và kiểm soát tốt nên không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Giá vật tư nông nghiệp (giống, phân bón) đã giảm và ổn định so với cùng kỳ năm trước tạo điều kiện cho người dân đầu tư vào sản xuất. Công tác trồng rừng đảm bảo tiến độ, yêu cầu. Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong nuôi trồng thủy sản được quan tâm trú trọng.
Diện tích cây lương thực có hạt 33,2 nghìn ha, đạt 99% so cùng kỳ

Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 46,5 nghìn ha, đạt 101,7% so cùng kỳ và 104,4% kế hoạch. Diện tích cây lương thực có hạt 33,2 nghìn ha, đạt 99% so cùng kỳ và 99,5% kế hoạch; sản lượng 17,6 vạn tấn, tăng 0,7% cùng kỳ và 2,1% kế hoạch. Sản lượng lương thực cây có hạt cả năm ước đạt 36,3 vạn tấn. Diện tích trồng rau đậu các loại đạt 4,7 nghìn ha, đạt 102,4% so với cùng kỳ và 104,5% kế hoạch; giá trị thu nhập từ 230-250 triệu đồng/ha/năm. Cây trồng khác như khoai lang 1,1 nghìn ha, đạt 100% so cùng kỳ và 88,5% kế hoạch, lạc 1,32 nghìn ha, đạt 95,4% so cùng kỳ và 96,2% kế hoạch; đậu tương 106,5 ha, đạt 89,5% so cùng kỳ và 105,9% kế hoạch. Diện tích trồng mía đạt 6.605 ha bằng 100% so với cùng kỳ và 90,5% kế hoạch; tổng sản lượng thu hoạch ước đạt trên 488 nghìn tấn bằng 101,3 % so với cùng kỳ. giá trị thu nhập 230-250 triệu đồng/ha/năm. Diện cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 10,24 nghìn ha trong đó diện tích kinh doanh đạt 9,2 nghìn ha; sản lượng niên vụ 2022-2023 ước đạt 21 vạn tấn, giá trị thu nhập bình quân ước đạt 330-350 triệu đồng/ha/năm.

Tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, toàn tỉnh đã dồn điền, đổi thửa được 4.407,85 ha, ước đến hết năm 2023 đạt khoảng 4.608 ha. Bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm từ 37-50% tại các địa phương triển khai thực hiện. Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao (như bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột,....). Đến nay toàn tỉnh chuyển đổi được khoảng 2.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác. Một số cây trồng được trồng chuyển đổi chủ yếu gồm ngô; rau đậu các loại (bí xanh, bí đỏ...); mía và một số cây trồng hàng năm khác. Các diện tích chuyển đổi đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc chuyển đổi. Việc áp dụng cơ giới hóa trong làm đất lúa và cây màu đã được người dân quan tâm đầu tư áp dụng vào sản xuất do đó tỷ lệ cơ giới hóa đạt tương đối cao trên 90%. trong đó đối với lúa trên 95%; cây màu đạt trên 80%. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tiếp tục tăng đạt trên 60%. Biện pháp tưới chủ động tiên tiến, tiết kiệm nước (tưới phun, tưới nhỏ giọt) kết hợp bổ sung phân bón tiếp tục được phổ biến rộng rãi và tăng nhanh diện áp dụng tại các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn... đã góp phần tích cực hạn chế tình trạng hạn hán.

Tổng đàn trâu đạt 114.200 con, so với cùng kỳ năm trước bằng 98,75%; đàn bò 89.140 con, so với cùng kỳ bằng 102,26%; đàn lợn 495.698 con, so với cùng kỳ bằng 102,09%; tổng đàn gia cầm 8.610 nghìn con, so với cùng kỳ bằng 103,09%. Hiện, toàn tỉnh có 71 cơ sở chăn nuôi gia cầm, sản xuất 7,2 triệu con gia cầm thương phẩm/năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 22.000 tấn/năm; gà giống xuất ra ngoài tỉnh đạt 25 triệu con gà giống/năm và 38 triệu quả trứng giống/năm. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả, đến nay đã thành lập được 60 Hợp tác xã chăn nuôi, có 28 Hợp tác xã liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vật nuôi có lợi thế của địa phương đã được quan tâm triển khai thực hiện, đã được cấp giấy chứng nhận các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: "Gà Lạc Sơn", "Gà Lạc Thủy", "Lợn Bản địa Đà Bắc",  "Dê Lạc Thủy", "Dê núi Lương Sơn" có truy xuất nguồn gốc. Thuỷ sản được phát triển theo hướng bền vững; hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản; các địa phương tập trung chăm sóc 4,98 nghìn lồng cá. Sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 12.200 tấn, trong đó khai thác 2.450 tấn, nuôi trồng 9.750 tấn. Sản xuất, ương nuôi cá giống ước đạt trên 137 triệu giống cá các loại, các cơ sở sản xuất cá giống tiếp tục chăm sóc phòng bệnh, sản xuất cá giống. Các hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển đổi theo hướng nuôi trồng các loại thủy đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá bống, cá trắm đen, cá tầm... khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế lòng hồ Hòa Bình, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Giá trị thu nhập ước đạt 220 triệu đồng/ha/năm (nhóm sản phẩm đặc sản)./.