DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15 về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh

05/06/2020 00:00
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 25/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi trong giai đoạn là 6,38% đã đạt mục tiêu Nghị quyết. Tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, chất lượng và giá trị đàn vật nuôi được tăng lên.
Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm

Đến năm 2020 tổng đàn trâu đạt 115.695 con vượt 5,18%% so với mục tiêu đề ra; tổng đàn bò bò 84.275 con vượt 5,34 % so mục tiêu; tổng đàn gia cầm 7.655.483 con vượt 9,36% so mục tiêu; tổng đàn dê 51.285 con vượt 28,21% so với mục tiêu. Công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Chăn nuôi trong các trang trại đã áp dụng các biện pháp công nghệ cao, khép kín, an toàn sinh học nên không bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Tổng đàn trâu duy trì phát triển ổn định, nâng cao tầm vóc, rút ngắn chu kỳ nuôi, người chăn nuôi đã chuyển mục đích nuôi cày kéo sang nuôi lấy thịt. Tổng đàn trâu tăng bình quân 1,61%/năm trong giai đoạn. Người chăn nuôi đã chuyển mục đích sang nuôi trâu, bò thâm canh lấy thịt, sử dụng các nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp... dự trữ chế biến làm thức ăn vỗ béo lấy thịt; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tăng bình quân 2,0%/năm trong giai đoạn. Triển khai một số mô hình sử dụng các loại giống bò đực lai Sind và lai Zebu để cho phối giống trực tiếp; bước đầu sử dụng tinh cọng rạ các giống bò Brahman, BBB, Red Sindhi, HF để thụ tinh nhân tạo, cải tạo giống, gắn với sử dụng quy trình vỗ béo có sử dụng thức ăn ủ chua, thức ăn tinh bổ sung. Các giống bò năng suất cao tiếp tục được đưa vào địa bàn nuôi thử nghiệm, đánh giá đạt được kết quả tốt, hướng tới nhân rộng đưa vào sản xuất đại trà (bò BBB tại huyện Lạc Thủy). Tổng đàn bò, dê trong trang trại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 có 03 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159 quy mô lớn từ 500 - 3000 con bò thịt và bò cái sinh sản; có 02 trang trại quy mô 100-200 con bò thịt BBB nuôi vỗ béo tại huyện Lạc Thủy. Tổng đàn bò, dê và sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong trang trại tăng cao tương ứng 213,3% và 90,9%.

Công tác cải tạo đàn bò, dê trên địa bàn tỉnh được quan tâm, triển khai thực hiện tại một số địa phương; năng suất, chất lượng được nâng lên. Tỷ lệ đàn bò, dê trong trang trại trong giai đoạn tăng cao. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn liên kết với các hộ dân trồng cây thức ăn xanh, một số HTX đã đầu tư trang trại chăn nuôi dê quy mô vừa và nhỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng đàn lợn, gia cầm trong trang trại tăng lên; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thực hiện bảo tồn và phát triển một số giống vật nuôi bản địa (gà Lạc Thủy, Lạc Sơn; lợn Bản địa...). Tổng số trang trại và tổng đàn lợn, gia cầm trong trang trại đến năm 2020 tăng mạnh so với trước khi triển khai Nghị quyết, trên địa bàn tỉnh có 112 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, cơ bản các địa phương đã tổ chức thực hiện phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, tạo đà cho sự phát triển nông nghiệp đồng bộ và bền vững. Tổng số trang trại chăn nuôi lợn tăng 20,6% so với trước khi triển khai Nghị quyết, tổng số lợn nái tăng 60,5%, tổng số lợn thịt và hậu bị tăng 74,9%; tổng số trang trại chăn nuôi gia cầm tăng 24,6%, tổng đàn gia cầm thương phẩm/lứa tăng 36,7%, số gia cầm giống và đẻ trứng tăng 31,4%;.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển chăn nuôi theo quy hoạch tại các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy, Kỳ Sơn. Chăn nuôi lợn bản địa: tập trung tại huyện Đà Bắc, một số trang trại tại thành phố Hòa Bình và một số xã vùng cao của huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn. Gà công nghiệp chăn nuôi tập trung trong các trang trại tại các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi, Kỳ Sơn. Gà thả vườn (đồi) đang tập trung phát triển, tăng quy mô đàn các giống gà địa phương tại huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn. Tiến hành thực hiện chuẩn hóa giống lợn bản địa, hỗ trợ kinh phí mua 180 con lợn cái và 10 con lợn đực giống, được đánh giá chọn lựa kỹ lưỡng, đồng đều về độ tuổi cho 90 hộ tham gia mô hình tổ Hợp tác, Hợp tác xã chăn nuôi lợn Bản địa tại 6 xã trên địa bàn huyện Đà Bắc trong khuôn khổ dự án "Thành lập ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển chăn nuôi bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học"./.